Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung: Nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ

Thứ năm, 03/11/2016 09:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-11, mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung gây ra nhiều hệ lụy, gây thiệt hại về người, tài sản, đời sống dân sinh. Trong bối cảnh đó, các hồ chứa ở thượng lưu tiếp tục xả lũ. Theo ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tại các địa phương, riêng Quảng Nam có 3 hồ chứa, Hà Tĩnh có 7 hồ chứa tham gia xả lũ.

Thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ trưa ngày 2-11. 

Tại Quảng Nam, đến chiều 2-11, tại ngầm Sông Trường trên tuyến QL40B đoạn qua xã Trà Sơn (H. Bắc Trà My) vẫn còn bị ngập sâu khiến các phương tiện giao thông không qua lại được. Bà Nguyễn Thị Hồng, nhà ở gần khu vực trên cho biết: Mưa lớn bắt đầu từ đêm 31-10, đến chiều ngày 1-11 thì mực nước Sông Trường dâng cao khiến nước chảy tràn qua ngầm này cao đến hơn 3 mét nên giao thông tắc nghẽn. “Ngầm này là tuyến huyết mạch nối đi lên huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum, thế nhưng lâu nay hiện tượng ngập nước thường xuyên xảy ra. Hậu quả đã có nhiều người bị cuốn trôi khi qua lại nơi đây. Chúng tôi rất mong mỏi các ngành chức năng xây dựng tại đây một chiếc cầu để đảm bảo giao thông thông suốt và tránh những cái chết thương tâm xảy ra”- bà Hồng nói. Cũng trên tuyến đường này, từ xã Trà Giác lên trung tâm hành chính H. Nam Trà My xảy ra hơn chục điểm sạt lở với khối lượng đất đá hàng nghìn mét khối. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất đá phá hủy hơn 10 mét đường ống dẫn nước (loại 200mm) thuộc công trình cấp nước sạch cho trung tâm H. Nam Trà My nên tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt sẽ kéo dài trong những ngày tới.

Có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở để đảm bảo cho các phương tiện giao thông qua lại tại khu vực giáp ranh 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, ông Lê Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh cho biết: Do địa hình đồi núi dốc nên các địa phương này thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lớn gây sạt lở. Qua khảo sát cho thấy có hàng chục điểm sạt lở, thiệt hại tương đối lớn. Để đảm bảo việc lưu thông trên tuyến đường này, từ hôm qua (1-11) chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo cho phương tiện giao thông qua lại...

Đường ĐT 609 qua xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam) ngập sâu.

Trong khi đó, trong ngày 2-11 trên địa bàn Quảng Nam có đến 3 thủy điện xả lũ. Cụ thể, 9 giờ ngày 2-11, mực nước lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 (H. Phước Sơn) đã đạt cao trình 258m nên buộc nhà máy thủy điện này phải xả lũ để đảm bảo an toàn đập. Điều đáng nói, sáng cùng ngày, TĐ Đắc Mi 4 ra thông báo về việc xả lũ bắt đầu vào lúc 14 giờ cùng ngày, với lưu lượng 900-2400 m3/s. Tuy nhiên do mức nước đổ về lòng hồ TĐ lên đến 900m3/s, dẫn đến mực nước lòng hồ lên nhanh đạt ngưỡng 258m, trong khi cao trình an toàn hồ chứa cho phép ở mức 255m, do đó vào lúc 12 giờ cùng ngày, TĐ đã mở cả 5 cửa van để xả tràn trước 2 giờ đồng hồ so với thông báo.

Cũng tại H. Phước Sơn, do mưa lớn trong mấy ngày qua đã làm hư hỏng và sạt lở, gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường lên 5 xã vùng cao của huyện. Trước tình hình trên, lãnh đạo H. Phước Sơn đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Trong đó, điểm ngập qua cầu tràn trên tuyến đường Phước Công - Phước Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng nhưng do lượng nước lớn nên chưa thể khắc phục được. 

Bên cạnh đó, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, trong đêm 1-11 TĐ Sông Bung 4 (H. Nam Giang) đã chủ động vận hành xả lũ hồ chứa TĐ để duy trì mực nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ. Cụ thể, mực nước hồ TĐ Sông Bung 4 là 217,5m, lượng nước đổ về 1.200 m3/s, lưu lượng chảy qua đập tràn là 77-1.200 m3/s.

Ngoài ra, lúc 5 giờ ngày 2-12, Cty CP Phú Thạnh Mỹ ra thông báo về việc bắt đầu xả tràn hồ TĐ Sông Bung 4A. Hiện mực nước thượng lưu đạt 97,39m, mực nước hạ lưu là 64,70m, nước đổ về hồ là 820 m3/s, do đó TĐ Sông Bung 4A xả tràn từ 100-1.250m3/s. 

Tại Hà Tĩnh, ngày 2-11, do mưa lớn từ thượng nguồn những ngày qua nên nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đã xả lũ để điều tiết nước. Cụ thể, hồ chứa thủy điện Hố Hô xả tràn với lưu lượng 329m3/s; hồ Kẻ Gỗ xả 300m3/s; hồ Sông Rác xả 7m3/s; hồ thượng Sông Trí xả 10m3/s. Một số hồ chứa đang giảm mức xả lũ như: Bộc Nguyên xả 30m3/s, Kim Sơn xả 20m3/s, Tàu Voi xả 10m3/s.

Do lượng mưa đang giảm nên tại các địa phương ngập lụt sâu nước đã rút dần, chỉ còn 1.080 hộ dân ở 12 xã bị ngập. Trong đó, Hương Khê còn 7 xã với 812 hộ bị ngập sâu từ 1- 2m (trong đó, Phương Điền 21 hộ, Phương Mỹ 247 hộ, Hương Thủy 100 hộ, Lộc Yên 100 hộ, Gia Phố 200 hộ, Phúc Đồng 3 hộ, Hà Linh 40 hộ, Hòa Hải 101 hộ); Vũ Quang còn 2 xã với 40 hộ bị ngập (Đức Bồng 25 hộ, Đức Hương 15 hộ); Cẩm Xuyên còn 3 xã bị ngập với 228 hộ ngập từ 0,5-1m (Cẩm Duệ 55 hộ, Cẩm Thạch 23 hộ, Cẩm Vịnh 150 hộ), 1 nhà dân ở Cẩm Minh bị sập đổ, các trục đường giao thông liên xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác vẫn đang ngập, gây ách tắc giao thông.

Tại 2 xã “rốn lũ” là Phương Điền và Phương Mỹ (H.Hương Khê) nước bạc cả cánh đồng, làng mạc. Tất cả các tuyến đường tại 2 xã này lại tiếp tục chìm sâu trong biển nước. Anh Nguyễn Hữu Vịnh (xóm Ấp Tiến, xã Phương Mỹ) nói: “Lũ trước vừa rút, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa xong chưa được 3 ngày lũ mới lại ập về. Lũ chồng lũ, ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vợ và con đã có biểu hiện về bệnh đường ruột. Tuy nhiên, nước lũ đang chia cắt nên chưa thể đi chữa trị được”. Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ- ông Hoàng Xuân Tần cho biết, mưa liên tục từ ngày 30-10 khiến toàn xã bị cô lập, hiện có 248 hộ bị ngập sâu trên 2m, phải di dời chỗ ở của 47 hộ gia đình. “Hậu quả của cơn lũ trước chưa khắc phục xong, nay lại đối mặt với trận lũ mới. Khó khăn chồng chất khó khăn, chưa biết bao giờ mới gượng dậy được...”, Chủ tịch Tần cho hay.

Chị Nguyễn Thị Tâm, xóm 7, xã Phú Phong (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) đưa con nhỏ đi tránh lũ. 

Tại các xã Hương Trạch, Hương Đô, Phúc Trạch... người dân cũng rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Những xã này đều nằm sát bờ sông Ngàn Sâu nên mỗi lần lũ về là kéo theo sự hệ lụy mang tên Hố Hô. Ông Nguyễn Sỹ Hoàn (trú xóm Phú Lễ, xã Hương Trạch) nói: “Hai lần thủy điện Hố Hô xả lũ, hàng trăm gốc bưởi Phúc Trạch của dân cứ thế bị nước cuốn cho bật gốc, trôi sông. Nhìn vườn bưởi tiêu điều, xác xơ mà đau lòng chú à. Cuộc sống của dân vùng này nhờ vào cây bưởi. Rứa là hết...”. Các hộ dân ở thôn Phú Lễ, Phú Lập của xã Hương Trà đội mưa ra khóc ròng ngoài vườn bưởi. Thống kê hiện tại có khoảng 18 hộ dân trồng bưởi ngoài đồng thì có tới 13 hộ mất trắng với hàng trăm gốc bưởi quý Phúc Trạch. Tất cả vườn bưởi của người dân nơi đây được trồng khoảng 15 năm nay, mỗi mùa cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/hộ.

Tại H.Cẩm Xuyên, một số vùng hạ du các hồ Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, Sông Rác cũng bị ngập lụt. Chính quyền và người dân nơi đây đã chủ động ứng phó với đợt mưa lũ mới này. Ông Lê Ngọc Hà- Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN H.Cẩm Xuyên cho biết, hiện tại, nước lũ đã gây ngập nặng tại các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh, Cẩm Sơn... Đến thời điểm hiện tại, có 442 hộ bị nước vào nhà, trong đó có khoảng 20 hộ đã bị ngập sâu, chủ yếu ở vùng thấp lũ là Cẩm Duệ, Cẩm Thạch. Tại các xã vùng hạ du Kẻ Gỗ, hầu hết các đường thôn đều đã bị chia cắt, ngập sâu nên phải đi lại bằng thuyền.

Ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho hay: “Khi hồ Kẻ Gỗ thông báo xả lũ, chúng tôi đã thông tin lại cho bà con bằng cách thông báo trên hệ thống phát thanh xã, thôn để người dân biết và đối phó. Hiện tại, toàn xã có 55 hộ ngập lụt, nặng nhất là thôn Phương Trứ và Châu Trinh ngập sâu từ 70cm đến 1,2m. Tuy nhiên, do chủ động được nên người dân đã sơ tán gia súc gia cầm lên vùng an toàn; đưa tài sản lên khu vực cao nên không lo ngập ướt. Tại xã Cẩm Thạch cũng vậy, toàn xã có gần 200 hộ bị ngập. “Khi được thông báo sẽ xả hồ Kẻ Gỗ, người dân đã chủ động kê cao các loại tài sản. Những gia đình vùng thấp, nguy cơ lũ, xã đã có phương án sơ tán lên các hộ cao hơn trong vùng để đảm bảo an toàn cho người dân”- Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Tại TT-Huế, ngày 2-11, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế đã yêu cầu hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền tiến hành xả nước vì mực nước tại các hồ này đã cao hơn mực nước đón lũ. Bởi, theo dự báo trong thời gian tới ở địa phương này, sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to nên các hồ trên sẽ tiến hành điều tiết lũ về hạ du từ 12 giờ trưa ngày 2-11 để đón lũ. Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, từ 1 giờ ngày 30-10 đến 7 giờ ngày 2-11, ở các vùng núi tại tỉnh này có mưa rất to. Lượng mưa tại trạm Khe Tre (Nam Đông) đo được 396 mm, tại Bạch Mã 878mm, trạm Thượng Nhật (Nam Đông) là 636mm... khiến mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi dâng cao. “Việc điều tiết lũ ở hồ Tả Trạch và Bình Điền sẽ được khống chế và giám sát chặt chẽ”- ông Hùng khẳng định.

Cầu Khe Chai (xã Đông Sơn, H. A Lưới, TT-Huế) bị sạt lở mố hoàn toàn.

T.Tân – X.Sơn – H.Lan

Thêm 2 người mất tích do lũ cuốn

QUẢNG BÌNH - Sáng 2- 11, tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN H.Tuyên Hóa, trên địa bàn có 1 người dân tên là Hà Thái Dương (1993, trú thôn Tây Hóa, xã Mai Hóa) bị nước lũ cuốn mất tích. Hiện, các lực lượng chức năng đang tích cực tổ chức tìm kiếm. Sáng cùng ngày, tại thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy, một học sinh cũng bị nước lũ cuốn mất tích khi đang trên đường đi học. Danh tính nạn nhân được xác định là em Dương Thị Kim Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Được biết, 6 giờ sáng, do thôn Vinh Quang đang bị lũ chia cắt nên em Kim Anh được bố dùng thuyền chở đi học. Khi đến khu vực ranh giới giữa thôn Vinh Quang và thôn Ngô Xá Bắc thì thuyền bị lật. Người bố đã may mắn thoát chết do kịp bám thuyền và bơi nhưng không thể cứu được con gái vì dòng nước chảy xiết. Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN H.Lệ Thủy đã huy động ca nô và các lực lượng gần 100 người tham gia tìm kiếm.

X.S