Mưa lũ làm lộ “cây cầu không sắt”
(Cadn.com.vn) - Trong đợt mưa lũ vừa qua, cây cầu có chiều dài gần 50m, rộng khoảng 5m bắc qua sông Nước Oa nối giữa 2 xã Trà Tân và Trà Sơn (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) bị gãy một nhịp cầu rơi xuống sông, bên cạnh đó trụ cầu thứ nhất cũng bị gãy một nửa. Sau khi chiếc cầu trên bị “sự cố”, nhiều người dân địa phương nơi đây gọi đây là chiếc cầu “không sắt”.
Chiều 17-11, có mặt tại khu vực chiếc cầu bị gãy (thuộc địa phận thôn 3, xã Trà Tân), theo quan sát của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, nhịp cầu bê-tông có chiều dài hơn 7m, rộng khoảng 5m bị gãy nằm dưới sông. Ngoài bị rơi nhịp và gãy trụ, đường dẫn đầu mố cầu phía xã Trà Tân cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, những mảng đường gẫy nằm ngổn ngang. Điều đáng nói, qua quan sát của chúng tôi, nhịp cầu bị gãy đã nằm dưới lòng sông, chỉ nổi lên một phần nhưng phần gãy lòi ra không nhìn thấy sắt. Tương tự, phần trụ cầu bị gãy một nửa nhìn vào cũng chỉ có 2 đoạn sắt nằm cách xa nhau, mỗi đoạn chưa đến nửa mét. Đặc biệt, bê-tông trụ cầu có những tảng đá to, nặng cả chục ký...
Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tại hiện trường cây cầu thôn 3 bị gãy. |
Dẫn học sinh đi học về ngang qua cây cầu này, thầy giáo Ng.V.H. (trú TT Trà My, H. Bắc Trà My) cho biết, ngày 3-11 vừa qua, sau khi nước lũ rút thì người dân phát hiện cây cầu trên bị gãy. “Điều bất ngờ là khi người dân ra xem thì phát hiện những mảng bê-tông lớn bể rơi xuống mà không nhìn thấy sắt bên trong. Ngoài trụ cầu thứ nhất bị gãy một nửa, trụ cầu thứ 2 cũng sụt lún nên dầm cầu cũng sụt theo. Về thiết kế thế nào tôi không biết, nhưng nhìn thực tế bây giờ thì việc xây dựng cây cầu không ổn lắm”- ông H. nói. Còn khi được hỏi, ông Ng.V.T. (người dân địa phương) đang chăn bò gần đó bức xúc nói: “Cây cầu có sắt hay không mấy anh cũng thấy rồi đó. Mưa lũ đã làm rõ sự thật về chất lượng công trình”.
Cây cầu trên nằm trên tuyến đường huyết mạch liên xã, nhưng sự cố xảy ra đã lâu mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp khắc phục. Hằng ngày, các em học sinh đi học và người dân ngang qua đây phải đi bộ men theo tảng bê-tông dẫn lên mặt cầu. Tuy nhiên, mảng bê-tông này cũng đã bị nứt gãy nên rất nguy hiểm đối với những người qua lại nơi đây.
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho rằng: “Cầu đó làm từ nhiệm kỳ trước nên tôi cũng không rõ năm nào. Tuy nhiên qua trao đổi với Bí thư xã, vị này cho rằng cây cầu trên được xây dựng năm 2004. Lúc đó đơn vị Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam xây dựng làng thanh niên lập nghiệp tại đây nên đã xây dựng chiếc cầu trên. Về kết cấu cây cầu tôi cũng không để ý. Do cầu bị gãy, thấy độ nguy hiểm nên tôi đã cho anh em gác rào chắn để không cho người dân qua lại. Để nắm rõ về số liệu kết cấu, vốn đầu tư... các anh nên liên hệ với chủ đầu tư là Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam để rõ”- ông Cường nói.
Cầu bị gãy gây khó khăn trong việc đi lại của người dân nơi đây. |
Để hiểu rõ hơn về vấn đề, chiều 18-11, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Bùi Thành Vinh – Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam để hiểu rõ hơn vấn đề trên, tuy nhiên ông Vinh cho rằng việc xây dựng cây cầu trên đã lâu, nên ông Vinh yêu cầu chúng tôi gửi nội dung câu hỏi qua địa chỉ email để ông chỉ đạo cấp dưới lục tìm số liệu cung cấp. Thế nhưng sau khi đã gửi câu hỏi, chúng tôi liên lạc lại thì ông Vinh không nghe máy. Đến cuối giờ chiều, ông Vinh nhắn tin lại nói không cung cấp thông tin kịp, có gì sang tuần sau ông sẽ thông tin lại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu nội dung liên quan đến sự cố sập cầu trên để thông tin đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo.
Bão Bình