Mùa mứt biển lại về

Thứ ba, 26/11/2013 02:39

(Cadn.com.vn) - Một, hai giờ sáng, mọi người đã í ới gọi nhau đi hái mứt (rong biển). Người cầm vợt, kẻ rọi đèn rộn ràng như đi hội. Nghề hái mứt có thể mang đến cho con người nhiều nguồn lợi, nhưng cũng không ít lần chính nó lại đưa con người vào nguy hiểm.

Biển động là vào mùa

Vào mùa biển động, từ tháng 10 đến 12 (âm lịch) người dân Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu) lại kéo nhau đi cào mứt biển. Gần thì ghềnh đá Nam Ô, xa thì tận bán đảo Sơn Trà, có khi còn bơi thuyền thúng lên tận Lăng Cô (Huế)... Những người cào khỏe, đi được xa thì mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng, có khi lên đến tiền triệu.

Dụng cụ cào mứt là một miếng tôn cắt thành hình tròn như cái chén, đựng mứt thì dùng lưới và sắt 10 uốn thành vợt... Muốn làm nghề này phải bảo hộ mình bằng bao tay, tất chân tránh đụng phải hàu, nhum biển xóc vào tay.

Những phụ nữ Nam Ô 3 cào mứt ở ghềnh Nam Ô. 

Tùy theo con nước ròng (thủy triều) mà cào mứt, lúc thủy triều xuống mới có thể cào, lúc triều lên thì phải về nếu không sóng đánh mạnh thì nguy. Thế nên mới có chuyện mới 1-2 giờ sáng mọi người gọi nhau đi cào mứt, 12 giờ đêm vẫn đi.

Thời gian cào mứt khoảng từ 3- 4 tiếng đồng hồ, mứt lúc được giá có thể bán 70 ngàn đồng/1kg, nhưng khi vào mùa, nhiều thì chỉ còn 30 ngàn đồng, đó là mứt tươi, nếu muốn bán cao hơn thì rửa sạch rồi phơi khô. Bà Phan Thị Nguyên, 63 tuổi (Nam Ô 3) nhận xét: “Tôi đi cào mứt đã nhiều năm, năm nay biển động, bão, lụt nhiều nên mứt bám dày mới có để cào, năm ngoái không được như năm ni đâu”.

Những năm gần đây, rau mứt còn được thu mua để xuất khẩu, bán ra các tỉnh thành phía Bắc, các chùa lân cận cũng đến mua. Là một loại rau quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, trị táo bón,... nên được người dân ưa chuộng, thường mua làm quà cho người thân phương xa. Khi hái lên là đã có người đặt mua trước, không thì đem bán ngoài chợ rất được ưa chuộng khiến người dân càng phấn khởi.

 Dụng cụ cào mứt.

Hiểm nguy luôn rình rập

Nghề cào mứt chẳng khác nào nghề sinh tử, hiểm nguy luôn rình rập. Ở nơi sóng to, gió mạnh nếu sơ ý một chút là bị thương. Thế nên đa số những người cào mứt ở đây là đàn ông, các phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với biển.

Nghe những câu chuyện hái mứt do người dân ở đây thuật lại, nào là gãy xương tay, bị hàu cưa đứt gân chân, nhum xóc đầy tay... mới thấy để thu hoạch được mứt người dân phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, có khi là thương tích khó tránh được.

Bà Huỳnh Thị Vân (Nam Ô 2) chia sẻ: “Nghề này vất vả, cơ cực, trường hợp tử mạng thì chưa có, nhưng bị thương tích thì khá nhiều, tui từng bị sóng đập vào ghềnh khiến ngã rồi tông vô đá, khâu mười mấy mũi ở tay”. Hay như bà Bùi Thị Tám (tổ 120, Nam Ô 3): “Tui bị sóng đánh vào bờ lôi ra xa, may mà kịp thời bơi vào bờ nếu không thì không biết ra sao”.

Theo bà Vân, sở dĩ người dân nơi đây quyết bám trụ với nghề là bởi kế sinh nhai, và quan trọng hơn nữa là tình yêu với ghềnh đá, với biển cả quê hương. Mứt biển là quà tặng trời cho những người con yêu quý luôn trung thành với biển, giúp họ có kế sinh nhai khi biển động không thể vươn khơi.

Đi cào mứt cũng có cái vui của nó, khi nước lên mọi người tíu tít gọi nhau, không khí nhộn nhịp như đi hội, ra đến chỗ cào mứt bà con lại hát hò cho có không khí, giảm bớt cái giá lạnh của biển sớm.

“Nếu con người sống hòa thuận cùng thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ không phụ lòng người”, bà Phan Thị Nguyên đúc kết.

Ngô Linh