Mùa săn “lộc rừng”

Thứ sáu, 08/05/2015 10:38

(Cadn.com.vn) - Cứ theo chu kỳ 4 năm cây ươi sẽ cho ra quả một lần. Và, năm nay mùa ươi lại đến. Khoảng hơn một tháng trở lại đây, hàng ngàn lượt người dân ở các xã trên địa bàn H. Sa Thầy và H. Ngọc Hồi (Kon Tum) ồ ạt vào rừng hái ươi bán cho các thương lái. Ban đầu, họ chỉ lượm trái ươi chín tự rụng, nhưng rồi họ đã tận thu bằng cách chặt hạ luôn cả cây ươi để hái cả trái còn xanh đem về phơi khô...

Một ngày đầu tháng 5, công tác về H. Sa Thầy, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân kháo nhau về chuyện hái ươi. Có mặt tại xã Sa Sơn  (H. Sa Thầy) vào lúc trời chưa sáng nhưng dọc theo tuyến đường của xã chúng tôi đã gặp từng đoàn người nối nhau vào rừng để tìm hái  "lộc rừng”. Thấy nhóm gồm 3 người chuẩn bị vào rừng nhặt ươi, chúng tôi lân la bắt chuyện. Nghĩ chúng tôi chỉ đi xem và mua ươi chứ không phải tranh giành hái, anh Trần Đình S. ở thôn 4, thị trấn Sa Thầy vui vẻ cho biết: Ươi năm nay được mùa, giá lại cao, nhặt quả ươi thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm nương rẫy. Chỉ cần đi vào rừng tìm ươi 1 tháng thu nhập có khi còn hơn ở nhà làm rẫy cả năm nên nhiều gia đình bỏ rẫy tranh thủ kéo nhau vào rừng hái ươi. Nhiều người còn chặt hạ nguyên cây để lấy trái ươi. Năm nay, ươi vào mùa mới chừng 1 tháng, nhưng chúng tôi phải đi sâu vào rừng, thậm chí giáp với biên giới Campuchia mới mong tìm gặp được cây ươi...

Các thương lái đang thu gom ươi xuất sang Trung Quốc.

Cũng như anh Trần Đình S., gia đình ông B. ở thôn Nhơn Đức, xã Sa Nhơn quanh năm chỉ sống dựa vào gần 1 ha đất trồng mì và 1,5 sào ruộng lúa, thời gian rảnh thì ai thuê gì làm nấy. Mùa ươi năm nay ông cũng theo mọi người đi hái ươi. Ông B. cho biết: Vợ chồng tôi có 6 người con, năm nay khi cây ươi cho “lộc”, 4 đứa con nhỏ ở nhà với mẹ, 2 đứa lớn cùng tôi vào rừng hái ươi. Chuyến đầu tiên đi 3 ngày, phát hiện 3 cây ươi hái bán được gần 16 triệu đồng. Chuyến thứ 2 đi 3 ngày về bán được gần 15 triệu đồng. Tính ra bình quân một ngày, mỗi người đi hái “lộc rừng” cũng kiếm hơn 1,5 triệu đồng. Nhiều người nhặt ươi bay xong rồi chặt hạ luôn cả cây để dễ hái, mỗi cây thường hái được từ 30 - 50 kg. Các thương lái thường vào tận trong rừng để mua, tuy nhiên giá chỉ bằng 2/3 so với giá ở nhà...

Bình thường, xã biên giới Mô Rai yên bình, vắng vẻ, ít người qua lại nhưng những ngày này trở nên nhộn nhịp khác thường. Các quán xá luôn tấp nập người đi hái ươi và mua ươi.

Nếu người đi hái lượm ươi... đông như kiến cỏ, thì người đi mua ươi nhiều cũng chẳng kém - đó là khẳng định của bà Hà - một tiểu thương thu gom ươi.

Hàng ngày, tại xã Mô Rai, Rờ Kơi, Sa Sơn, Sa Nhơn, thị trấn Sa Thầy và các xã, thị trấn của H. Ngọc Hồi... số lượng thương lái đi thu gom ươi lên đến cả trăm người. Mỗi ngày họ thu được hàng tạ ươi để bán lại cho các đầu nậu khác ở các tỉnh đổ về, sau đó xuất sang Trung Quốc hoặc trữ chờ giá lên cao bán kiếm lời. Đi dọc thôn Qui Nhơn (thị trấn Sa Thầy), chúng tôi bắt gặp hàng tấn trái ươi được các thương lái thu gom phơi đầy sân và dọc hai bên đường. Tại các quán nhậu, quán nước bên đường, ươi cũng là chủ đề được bàn tán khá sôi nổi.

Ươi được các thương lái thôn Quy Nhơn thu gom, phơi đầy sân.

Trong vai một người thu mua ươi, chúng tôi đến nhà một thương lái ươi nổi tiếng, Chủ nhà cho biết giá quả ươi bay (ươi tự rụng) khô giá 185.000 đồng/kg, nếu mua trên 1 tấn có thể giảm 5.000 đồng/kg. Sau một hồi mặc cả, chúng tôi không ép giá được vì họ nói các thương lái ở các tỉnh khác cũng đang đổ xô thu mua với mức giá như thế.

Vừa trao đổi chúng tôi vừa quan sát thấy người này trộn ươi xô (trái ươi non chặt nguyên cây) cùng với trái ươi bay để bán. Với số lượng người đi săn “lộc rừng” quá nhiều, chỉ tính sơ sơ mỗi ngày có đến hàng chục cây ươi bị chặt hạ để lấy trái. Vì thế, những cánh rừng ươi nơi đây đang có nguy cơ biến mất trong một ngày không xa. Trong khi đó, cây ươi rất cao nên khi bị chặt hạ, kéo theo nhiều cây rừng xung quanh ngã theo, gây thiệt hại rất lớn.

Mặc dù có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều người dân cải thiện cuộc sống, nhưng mỗi ngày có hàng trăm lượt người đổ xô vào rừng khai thác ươi theo kiểu tận diệt, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng thì sự việc đã đến mức báo động.

Đắc Vinh