Mùa Vu Lan nghĩ về những người mẹ!
Một mùa Vu lan nữa lại về. Tôi bỗng nhớ đến những bà mẹ từng gặp trong quá trình tác nghiệp. Những bà mẹ suốt đời vì con, vì cháu, chẳng bao giờ nghĩ những việc mình đã, đang làm là sự hy sinh rất đỗi cao cả. Họ chỉ nghĩ đơn giản, làm mẹ là phải thế! Thiên chức đó hình như đã ngấm sâu vào trong nhận thức của họ từ khi bước chân đi lấy chồng. Hay từ lúc bé thơ, họ đã được dạy như thế. Tôi quý nể và kính phục những BÀ MẸ như thế!
Nhớ hôm theo chân cán bộ Phòng LĐ-TB&XH Q.Liên Chiểu đến nhà bà cụ có công cách mạng, nay đã 80 tuổi ở P.Hòa Khánh Bắc để viết bài nhân ngày 27-7, tôi lặng đi khi được nghe về cuộc đời của bà. Để rồi không tài nào lý giải, sức mạnh nào để bà cụ ấy trụ nổi khi trong 3 người con mang nặng đẻ đau (2 trai-1 gái) thì có đến 2 người mắc bệnh tâm thần. Người con trai đầu đã hơn 50 tuổi nhưng chưa lập gia đình, mưu sinh chật vật ở TP Hồ Chí Minh. Người con trai thứ hai thì mắc bệnh tâm thần khi mới tuổi 20, mất cách đây chưa lâu.
Người con gái lấy chồng rồi cũng mắc bệnh tâm thần, hiện điều trị trong bệnh viện. Nhìn bà lụm khụm bên bàn thờ con trai với mâm cơm cúng đơn sơ, lòng tôi se thắt. Càng nghẹn ngào hơn khi bà từ chối lời đề nghị của chúng tôi về việc sẽ liên hệ lực lượng đoàn viên thanh niên đến giúp bà dọn dẹp nhà cửa sau khi nhà được sửa chữa, lợp lại mái tôn, quét vôi từ tiền hỗ trợ chính sách người có công. Bà bảo, Nhà nước hỗ trợ ngần ấy tiền (20 triệu đồng), giúp bà sửa chữa lại nhà khỏi dột là quý hóa lắm rồi. Bà không muốn làm phiền ai thêm nữa, cứ để đó cho bà. Rồi bà khỏa lấp sang chuyện khác, chuyện làng xóm, các cháu gọi bà bằng dì tốt bụng, giúp đỡ bà như thế nào. Từng tiếp xúc với rất nhiều bà mẹ dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhất quyết không muốn mình trở thành gánh nặng cho xã hội, con cháu, còn chút sức lực là cố gắng làm lụng để nuôi sống bản thân bởi rằng "ai cũng phải lo cuộc đời của mình, nên tôi rất hiểu lòng tự trọng ở họ rất lớn! Ôi những Bà mẹ đáng kính biết bao!
Nhớ trước thềm Vu lan năm 2016, tôi tìm đến nhà Phạm Hồ Bảo Trâm (1993) ở P.Hòa Minh (Liên Chiểu) với ý định viết bài về nghị lực của cô gái bị tật đôi chân do di chứng chất độc dioxin. Trâm tâm sự, chính tình yêu thương, đức hy sinh của mẹ cha, đặc biệt là mẹ, là nguồn động lực giúp em có đủ nghị lực, vượt lên mặc cảm để khởi nghiệp, lập thân, không trở thành gánh nặng của mẹ cha sau này. Qua Trâm, tôi hình dung được hình ảnh mẹ em, ngày nào cũng cõng con đến trường, leo lên không biết bao bậc thang trong suốt 9 năm em học tiểu học, THCS. Suốt 9 năm học đó, Trâm luôn đạt danh hiệu HSG nhưng vì sức khỏe không cho phép, kết thúc THCS, Trâm đành giã từ ước mơ học lên cao hơn để được làm cô giáo. Vẫn không thôi mong được sống làm người có ích, không trở thành gánh nặng cho mẹ cha sau này, Trâm xin cha mẹ cho đi học làm thợ cắt tóc. Và trong suốt 8 năm học nghề, mẹ cha lại đồng hành cùng em đến khi ra nghề, mở tiệm làm tóc tại nhà... Rời tiệm cắt tóc cũng là nhà của ba mẹ Trâm, tôi xúc động thầm nghĩ phải viết một bài thật hay về Trâm, về người mẹ tuyệt vời của em! Tiếc sao, chưa kịp chấp bút, BBT báo có CTV gửi bài rồi. Thì ra, tác giả này đến tìm gặp trước tôi vài ngày trước đó.
Vu lan về tôi lại nghĩ đến người mẹ của bạn tôi. Cả cuộc đời, bà hy sinh lặng thầm, tất cả vì con. Chồng mất sớm nhưng bà quyết không đi thêm bước nữa. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, bà làm việc cật lực để nuôi ba con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho 2 người con. Cô bạn tôi là con út của bà, không biết vì duyên phận chưa đến hay vì thương mẹ suốt một đời vò võ nuôi con nên không chịu lập gia đình. Hai mẹ con ở với nhau như hai người bạn. Nay đã hơn 80 tuổi nhưng việc gì có thể làm được, bà đều tự tay làm. Con gái can ngăn thì bà chỉ cười hiền lành bảo là ngồi không buồn tay, buồn chân. Thế rồi đột ngột cô con gái không may lâm bệnh nặng qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhìn người mẹ tóc bạc cố gắng gượng nuốt ngược nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng nỗi đau tột cùng để cùng các con lo hậu sự chu toàn cho con gái, tôi ứa nước mắt vì nể phục, yêu thương! Bà chỉ lặng lẽ khóc những lúc vãng người đến viếng thăm. Để rồi những ngày sau khi con gái thân yêu nằm yên dưới lòng đất lạnh, ngồi bên bàn thờ con gái, bà lẩm bẩm nói với tôi rằng, chỉ nghĩ con gái mình đi đâu đó thôi rồi sẽ về. Lại có lúc bà nói, ước chi những gì xảy ra chỉ là cơn ác mộng...
Một mùa Vu lan nữa lại về ! Mừng cho chính mình và cho tất cả những ai còn mẹ cha để được hạnh phúc gắn bông hồng đỏ trên ngực. Chia sẻ với những ai không may mắn còn có được niềm hạnh phúc đó. Để tự dặn lòng, đạo hiếu với cha mẹ là đạo nghĩa lớn nhất của mỗi đời người.
Khánh Yên