“Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khốc liệt

Thứ ba, 15/10/2019 11:05

Bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế, chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở Syria đang ngày càng khốc liệt.

Giao tranh ác liệt tại thị trấn biên giới Ras al-Ain ở Syria.  Ảnh: AFP

Ngày 14-10, truyền thông Trung Đông đưa tin: chính quyền người Kurd ở miền bắc Syria đã thông báo về một thỏa thuận với chính quyền Damascus về việc triển khai các binh sĩ của chính phủ Syria đến gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc tấn công quân sự của Ankara trong bối cảnh cuộc tấn công xuyên biên giới càng làm bùng nổ làn sóng phản đối gay gắt trên khắp thế giới.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này là điều được dự báo, nhất là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tiến sâu hơn vào lãnh thổ Syria hơn kế hoạch đề ra.

Vì sao người Kurd “bắt tay” với quân đội Syria?

Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố bất ngờ rút toàn bộ 1.000 binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền bắc Syria và quyết định sơ tán căn cứ quân sự ở thành phố Jalabiya, thuộc tỉnh Raqqa của nước này. Bộ trưởng Mark Esper cho biết, động thái rút hầu như toàn lính Mỹ trên bộ ở Syria được đưa ra sau khi Washington biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến sâu vào Syria.

Các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng loạt không kích, pháo kích và một cuộc tấn công mặt đất đã giết chết nhiều thường dân và thành viên lực lượng người Kurd kể từ khi khai màn hôm 9-10. Người Kurd cảm thấy người Mỹ đã phản bội họ, bất chấp nỗ lực hết mình với Washington trong cuộc chiến chống lại nhóm cực đoan IS. Những người Kurd bị bỏ rơi mô tả thỏa thuận của họ với chính phủ Syria là một bước cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công của Ankara. Trong thông báo đăng trên trang mạng facebook, chính quyền người Kurd nêu rõ: “Để ngăn chặn và đối phó với cuộc xâm lược này, một thỏa thuận đạt được với chính phủ Syria... do đó quân đội Syria có thể triển khai dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ Các lực lượng dân chủ Syria (SDF)”.

Chính quyền người Kurd cho rằng, thỏa thuận này đạt được với chính quyền Damascus “mở đường cho việc giải phóng những thành phố còn lại bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng như Afrin”. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết, quân đội nước này đang điều động binh sĩ đến miền Bắc để “đối phó với cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ” nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Nhiều nguồn tin khác cho biết, các binh sĩ chính phủ Syria cũng đã tiến vào thành phố Tabqah - nơi từng bị lực lượng người Kurd kiểm soát, và tiếp tục di chuyển về hướng Bắc. Chính quyền Syria vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề điều động quân này.

Lo ngại bùng nổ khủng hoảng nhân đạo

Bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế, chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở Syria đang ngày càng khốc liệt. 

Theo tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, mục đích của kế hoạch tấn công lần này là thiết lập một “khu vực an ninh” mà sẽ kéo dài từ 30-35km vào Syria và nằm giữa Kobane để Hasakeh, trải dài 440km. Tuy nhiên, chính quyền người Kurd và các nước, các tổ chức quốc tế cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở Syria, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Họ cũng nhiều lần cảnh báo, sự thù địch có thể làm suy yếu cuộc chiến chống IS và cho phép các phiến quân IS thoát khỏi các nhà tù. Trong thông báo hôm 14-10, chính quyền người Kurd cho biết, 785 tù nhân nước ngoài có liên quan tới IS đã trốn thoát khỏi một trại giam giữ sau các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara đã bác bỏ tin này.

Trong khi đó, thương vong dân sự đang tiếp tục gia tăng. Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, cho đến nay, ít nhất 26 thường dân đã thiệt mạng, trong số đó có phóng viên người Kurd của hãng ANHA, Saad Ahmad. Ông thiệt mạng trong một cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào một đoàn xe chở dân thường và nhà báo. Ít nhất 60 thường dân đã thiệt mạng ở phía biên giới Syria. Các nhóm viện trợ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo khác trong cuộc chiến 8 năm của Syria nếu các cuộc tấn công không dừng lại.

Cơ quan nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, hơn 130.000 người phải di tản và con số này đang chuẩn bị tăng gấp 3 lần. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - vụ việc khiến Paris đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Ankara - có nguy cơ tạo ra “tình huống nhân đạo không thể chịu nổi”. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của Ankara, cho biết, ông sẽ gây áp lực buộc EU ra lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 14-10 cũng cho rằng, ngoại trưởng các nước EU một lần nữa phải lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và đề nghị Mỹ tổ chức cuộc họp liên quân chống IS.

KHẢ ANH