Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm (*)

Thứ ba, 26/02/2019 11:35

Trong tập thơ đầu tay "Như hạt bụi đam mê" (Nxb Hội Nhà văn - 2017), Thụy Sơn viết trên bìa sách: "Tay ôm sợi nắng, tay ôm gió/Một gánh vô thường, một gánh mây". Hai câu thơ thật sự gây ấn tượng vì gợi cho bạn đọc những suy nghĩ về triết lý sống của con người. Xét cho cùng, vạn vật, xã hội đều thay đổi theo thời gian, biến hóa ảo dịu, không có gì chắc chắn, không có gì trường tồn. Tất cả rồi cũng như nắng, như gió, như mây mà thôi... Tôi lại bắt gặp chữ "vô thường" ngay ở bài thơ đầu tiên -"Đóa vô thường" trong bản thảo tập thơ "Trầm Tích" mà Thụy Sơn đang chuẩn bị ấn hành:

Tác giả Thụy Sơn

"Ta về, chăm ngọn cỏ vườn/Chờ tâm trổ đóa vô thương an nhiên/Mòn đêm chưa thuộc chữ THIỀN/Thấy trăng tròn khuyết bên hiên giật mình". Không giật mình sao được khi bao nhiêu điều cần làm, chưa làm, bao nhiêu điều cần hiểu, chưa hiểu, bao nhiêu ước mơ cần thực hiện, chưa thực hiện được, vậy mà bao nhiêu bận trăng tròn, trăng khuyết như vó câu ngang qua cửa sổ. Cái dốc bên kia cuộc đời ngày càng trở nên khó khăn và nặng nề. Vốn là một cô giáo, Thụy Sơn thuộc "típ" người trầm lặng và nội tâm. Ở một góc nào đó, Thụy Sơn như bước ra từ đền đài, cổ tháp tựa một Apsara giữa bóng tà diệu vợi và ngơ ngác rung lên những tiếng tơ lòng:

"Chỉ là Nguyệt Quế mãn khai rơi/Lạc giữa trần gian với phận người...".  (Xin làm giọt nước). Phận người sao mà đa đoan đến vậy? Vui đó buồn đó, sướng đó khổ đó, yêu đó ghét đó, hợp đó tan đó. Tham-sân-si cũng là những thứ mà con người ta tạo ra. Cái gì tạo ra được thì cái đó có thể bỏ được. Tất nhiên, để buông xả chúng cũng không phải ai cũng dễ dàng làm. Thi ca tỏ ra có quyền năng và Thụy Sơn tự mình đã biết cách làm gì cho cuộc đời giảm bớt gánh nặng của sự âu lo và suy tư:

"Cảm ơn chút gió bên đàng/Cho ta ngồi lại nhẹ nhàng xả buông/Cảm ơn đời trận mưa tuôn/Cho ta rửa sạch cội nguồn sân si" (Cảm ơn). Chút gió bên đàng phải chăng là căn nguyên của sự giật mình tỉnh ngộ. Nhờ đó mà buông xả bao nhiêu ưu phiền của phận người một cách nhẹ nhàng. Trận mưa tuôn như là cơ hội để gột rửa những bụi bặm, nhường không gian cho sự thanh tao lan tỏa, ngự trị... Có không ít người bên dốc cao và hẹp của cuộc đời ngồi than thân trách phận, gói sự u sầu, cô đơn, phiền muộn trong những chiếc lá dần tàn, rong rêu và kín lối như chân cổ tháp. Trong "Nắng Duy Xuyên", hãy nghe Thụy Sơn mở lòng: "Ta về tắm nắng Duy Xuyên/Chợt cơn mưa lạ tưới miền đất xa/Rừng phong phút bỗng trổ hoa/Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm". Duy Xuyên không có những rừng cây phong lá đỏ hút hồn như các nước trời tây. Nhưng một rừng gió cũng đủ để cho cảm xúc thăng hoa và để lòng đơm hoa kết nụ hân hoan đón chào chúa xuân lộng lẫy đang về cho dù "thu pha tóc mềm". Tôi nghĩ, nếu cần chọn trong "Trầm Tích" vài câu thơ tiêu biểu của Thụy Sơn, thì "Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm" là một câu xứng đáng!

Khi đối diện với cuộc người trăm năm, Thụy Sơn cũng là người tận "ngộ" trước những "vô thường". Nên tuy có một chút thảng thốt: "Trăm năm còn được bao ngày /Cuối thu mắt đã vương đầy khói sương". Nhưng chút thoảng thốt kia nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho sự khát vọng thương yêu ngập tràn, hối hả như dòng suối mùa xuân: "Ngại ngần chi để yêu thương" (Nghiệp thức) như là lời tuyên cáo từ nội tâm sâu thẳm chứa đầy dịu dàng sự thương yêu. Từng làm nghề "rèn chữ" nên Thụy Sơn có sở trường làm thơ Đường Luật. Với thể loại thơ này, Thụy Sơn đã làm khá nhiều và chắc tay. Tập thơ đầu tay cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, với "Trầm Tích", Thụy Sơn gần như lột xác hoàn toàn, mạnh dạn cởi bỏ chiếc áo choàng cũ kỹ để tạo ra một diện mạo mới cho riêng mình. Có một chút tiếc, tác giả đã đặt vào "Trầm Tích" vài bài gọi là thơ... thời sự. Nếu lặng lẽ cất riêng ra một bên thì "Trầm Tích" sẽ lắng đọng hơn nhiều. Nhưng cũng chẳng sao. Bạn đọc sẽ biết cách... bỏ bớt!

MAI HỮU PHƯỚC

(*) Đọc bản thảo tập thơ "Trầm Tích" của Thụy Sơn