Mủi lòng?

Thứ năm, 25/09/2014 06:34

(Cadn.com.vn) - Thương cảm chi ai mà phải rơi lệ vậy Ba Tam Kỳ?

- Chẳng có "người thương" mô hết, mà đó là một thực tế trong việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Đã VPHC thì "chiếu" theo Nghị định số 81 (viết tắt: NĐ 81) của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC mà "xử" chớ.

- Biết luật là rứa nhưng vẫn còn một số cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định XPVPHC thiếu thực tế, thiếu tính khả thi nên lại "đề xuất" tỉnh miễn, giảm cho đối tượng vi phạm.

- Làm vậy khác nào "đùn việc" cho cấp trên. Bởi, Luật Xử lý VPHC và NĐ 81 không quy định việc miễn, giảm đối với hình thức phạt bổ sung. Các cơ quan, đơn vị khi nhận được các kiến nghị xin miễn, giảm thì phải chủ động xử lý, trả lời cho đương sự rõ. UBND tỉnh sẽ không xem xét, xử lý đối với các kiến nghị đấy đâu.

- Chắc cũng muốn "giơ cao đánh khẽ"...

- Chưa hẳn vậy đâu Ba Tam Kỳ. Điều đó chứng tỏ cơ quan khi xử lý còn thiếu sâu sát tình hình thực tế trong từng vụ việc nên mới tham mưu hơi "quá trớn", thiếu tính khả thi. Nói đâu xa, giữa tháng 9-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp các Sở, ngành liên quan để giải quyết những tồn tại trong việc chấp hành quyết định XPVPHC; cụ thể là xin miễn, giảm một số vụ việc cụ thể.

- Rứa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quyết răng?

- Sau khi nghe báo cáo, căn cứ quy định của pháp luật về XPVPHC và hoàn cảnh thực tế của các cá nhân vi phạm, UBND tỉnh "bác" đề nghị xem xét miễn, giảm một số trường hợp: Cụ thể, XPVPHC 5 trường hợp do đua xe trái phép; xử phạt 1 trường hợp trong lĩnh vực khoáng sản và phạt 2 trường hợp quản lý, bảo vệ rừng... Tuy nhiên, chính quyền tỉnh cũng đã đồng ý miễn khoản tiền nộp phạt còn lại cho 1 trường hợp, cho phân kỳ nộp phạt nhiều lần đối với 1 trường hợp và chỉ áp dụng biện pháp tịch thu tang vật vi phạm đối với 1 trường hợp.

Bề Tui thiển nghĩ, để hạn chế những tồn tại trong việc chấp hành quyết định XPVPHC, các ngành chức năng khi tham mưu phải chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; phải cân nhắc tình hình thực tế để tham mưu đảm bảo mức độ giáo dục, tính răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt theo luật định.

Bề Tui