Mừng hay lo?

Thứ hai, 16/12/2013 09:08

(Cadn.com.vn) - Ông John Kerry ngày 14-12 đã có mặt tại TPHCM, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Sau Việt Nam, ông sẽ đến Philippines.

Chuyến công du Đông Nam Á của vị thủ lĩnh ngoại giao cường quốc số 1 thế giới diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và ASEAN họp Hội nghị Thượng đỉnh ở Tokyo.

Điều này cho thấy, Washington cũng đang rất muốn lấy lòng các nước ASEAN, biến Đông Nam Á đang ngày càng trở thành trung tâm thu hút quan trọng về mặt chính trị và cả kinh tế. Và một điều ai cũng dễ nhận thấy, sở dĩ Đông Nam Á được lợi như thế là "nhờ" "cuộc chiến quyền lực" giữa hai đồng minh Nhật, Mỹ với Trung Quốc. Nói thế không phải ASEAN là "ngư ông đắc lợi" mà theo lẽ tự nhiên, "cái gì tốt hơn" sẽ được ưu tiên chú trọng.

Không vì thế mà trong năm qua, các lãnh đạo cấp cao Nhật, Mỹ với Trung đều đến hoặc dự trù đến thăm Đông Nam Á, đặc biệt là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 12-2012, ông đã công du toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Với tham vọng thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á, đặt nhiều nhà máy hơn ở khu vực này (nhiều Cty Nhật rút khỏi Trung Quốc do căng thẳng) và quan trọng nhất là đối phó với sự mở rộng của Bắc Kinh, ông Abe tuyên bố sẽ hỗ trợ 20 tỷ USD cho ASEAN dưới hình thức viện trợ và cho vay không hoàn lại.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm nổi bật đến Indonesia và Malaysia, nơi ông đã đặt bút ký những thỏa thuận song phương quan trọng, đặc biệt là về kinh tế nhằm ve vãn các nước. Ngoài ra, ông Tập còn trấn an các quốc gia Đông Nam Á , vốn đang quan ngại về những yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông rằng, "Trung Quốc không phải là mối đe dọa".

Có lẽ, đáng tiếc nhất là Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã phải hoãn chuyến công du Đông Nam Á  và hủy cả việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra hồi tháng 10 vì phải ở nhà để giải quyết việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Đổi lại, giờ đây, trách nhiệm về ASEAN được gửi gắm trên vai Ngoại trưởng Kerry.

Rõ ràng, ASEAN hiện là tâm điểm chính trị và cả kinh tế của toàn thế giới. Các nhà đầu tư, các Cty ồ ạt đổ về khu vực này. Các nhà ngoại giao cũng liên tiếp đến đây. Nói chung, chưa bao giờ khu vực này lại trở thành tâm điểm "quyền lực" ảnh hưởng giữa 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới như lúc này. ASEAN đang trở nên "nổi tiếng". Nhưng liệu nổi tiếng có kèm theo "tai tiếng". Ta nên mừng hay lo?

Thanh Văn