Mừng nhiều, lo cũng không ít!
Hai lượt trận đầu tiên tại SEA Games 30 trên đất Philippines, thầy trò HLV Park Hang Seo đá bóng chẳng khác gì “đánh tennis”. Những chiến thắng dễ dàng, với tỷ số áp đảo giúp U22 Việt Nam vững vàng trên đỉnh bảng. Tuy nhiên, với những màn trình diễn đã qua, Quang Hải và các đồng đội khiến người hâm mộ mừng nhiều nhưng lo cũng không ít.
U22 Lào ăn mừng bàn thắng đầu tiên vào lưới U22 Việt Nam. |
Mừng cho hàng công
HLV Park Hang Seo thực sự đã tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh trong lòng U22 Việt Nam hiện tại với bộ đôi trung phong đáng nể: Đức Chinh – Tiến Linh. 7 bàn thắng sau 2 lượt trận của cặp tiền đạo này hứa hẹn sẽ khiến đối thủ phải sợ hãi. U22 Việt Nam đã thay đổi đến 8 vị trí trong đội hình so với trận gặp U22 Brunei và một điểm nhấn đáng chú ý là việc Tiến Linh thay Đức Chinh ra sân trong đội hình xuất phát. Tiền đạo đã ghi đến 4 bàn ngày ra quân Hà Đức Chinh đang có phong độ thuyết phục nhưng HLV Park Hang Seo không tiếp tục tin dùng ngay từ đầu bởi ông muốn kiểm chứng một Tiến Linh tài năng không kém ở vị trí trung phong.Và những gì tiền đạo Bình Dương thể hiện thực sự khiến ông thầy người Hàn Quốc phải vỗ tay tán thưởng. Tiến Linh biến trận đấu tưởng chừng khó nhọc của U22 Việt Nam thành “lấy đồ trong túi” với bàn mở tỷ số ngay khi trận đấu chưa trôi qua 3 phút. Đó chính là bước ngoặt lớn để biến trận đấu này trở nên dễ hơn cả khi U22 Việt Nam đánh bại U22 Brunei ngày ra quân. Và cũng nên nhớ U22 Lào được đánh giá cao hơn hẳn U22 Brunei.
Bàn thắng mở tỷ số của Tiến Linh quá sớm khiến đối thủ dù đã mường tượng ra kịch bản thua trận nhưng họ có lẽ không ngờ mình vỡ trận sớm đến thế. HLV Sundra Moorthy bất lực trong việc tìm kế sách giúp đội nhà tạo ra thế trận tốt hơn. Bàn thắng thứ 2 của Tiến Linh đến ở phút 17 càng làm nhuệ khí chiến đấu của U22 Lào suy giảm.
Tiến Linh ghi hai bàn thắng cho U22 Việt Nam chỉ trong 17 phút, nhanh hơn thời gian Hà Đức Chinh lập cú đúp vào lưới U22 Brunei. Và điều đáng mừng khác cho thầy Park chính là khả năng tận dụng cơ hội của U22 Việt Nam khi có mặt tiền đạo này đã tốt hơn hẳn.
So với ngày ra quân, U22 Việt Nam không phung phí nhiều thời cơ. Đội bóng của thầy Park chơi ung dung, nhàn hạ hơn hẳn, đặc biệt khi có 2 bàn thắng sớm trong hiệp 1. U22 Việt Nam chủ động giảm nhịp độ nhằm bảo toàn thể lực và HLV Park Hang Seo chỉ tăng tốc trong một vài thời điểm của trận đấu hòng toan tính chiến thuật cho chặng đường phía trước. 70 phút có mặt trên sân và lập hat-trick, dù vẫn kém 1 bàn thắng so với Hà Đức Chinh nhưng thời gian cầu thủ Bình Dương đạt được 3 bàn thắng vào lưới U22 Lào vẫn ít hơn đồng đội.
Sau hai vòng đấu, bộ đôi “sát thủ” của U22 Việt Nam khiến HLV Park Hang Seo rất yên tâm. Một con số sẽ khiến các đối thủ còn lại của U22 Việt Nam ở SEA Games lần này phải lo lắng. Tiến Linh chứng tỏ vì sao mình được thầy Park tin tưởng tuyệt đối từ ĐTQG lẫn U22 Việt Nam. Đức Chinh cũng không phụ lòng chiến lược gia người Hàn Quốc khi đưa mình đến SEA Games 30, bất chấp việc dư luận hoài nghi do phong độ kém ở CLB SHB Đà Nẵng. Trận đấu tiếp theo với U22 Indonesia, HLV Park Hang Seo hứa hẹn sẽ gặp thử thách thật sự. Tuy nhiên, vấn đề hàng công sẽ không khiến ông phiền lòng khi bộ đôi “sát thủ” của U22 Việt Nam đang rất có duyên.
Lo cho hàng thủ
Thầy Park làm việc với bóng đá Việt Nam đã gần 2 năm, giúp các đội bóng của chúng ta đạt những thành tựu đáng tự hào, nâng tầm bóng đá Việt Nam một cách rõ rệt. Nhưng vẫn còn một vấn đề nổi cộm chưa được cải thiện là các đội bóng Việt Nam thời Park Hang Seo hay tỏ ra mất tập trung trong khoảnh khắc và để thua từ bóng chết.
Bàn thua mà đội U22 Việt Nam phải nhận trong trận gặp U22 Lào là minh chứng mới nhất và một lần nữa chuông cảnh báo lại vang lên. Dù bàn thua không ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải lập tức rút ra bài học và chấn chỉnh ngay thái độ cũng như tính tổ chức trong phòng ngự ở 3 trận vòng bảng còn lại gặp Indonesia, Singapore và Thái Lan. Cần lưu ý đó là 3 đối thủ chắc chắn khó chơi hơn nhiều so với U22 Lào.
Tình huống U22 Việt Nam thủng lưới trước U22 Lào có cái gì đó rất “kinh điển”, diễn ra theo kịch bản hết sức quen thuộc, đã lặp lại nhiều lần dưới thời Park Hang Seo. Bàn thua đến khi chúng ta tỏ ra lơ đãng trong phút giây, khi các hậu vệ có vẻ như đang thả lỏng tâm trí và quên mất họ cần phải phòng ngự. Và một lần nữa chúng ta lại thủng lưới khi đang dẫn trước đối phương. Một quả đá phạt bên cánh phải, bóng được câu vào trước khung thành Văn Toản và đối phương thoải mái đánh đầu cận thành như chốn không người. Không hậu vệ Việt Nam nào áp sát và tranh chấp.
Với thái độ thi đấu và với sự mất tập trung ấy, chúng ta thua 1 bàn trước U22 Lào. Nhưng trước những U22 Indonesia, U22 Singapore hay U22 Thái Lan mà các hậu vệ còn có những khoảnh khắc “mơ màng” như vậy thì hậu quả sẽ ra sao? Đâu phải trận nào chúng ta cũng có thể “đánh tennis”, hay thậm chí chỉ là ghi 3-4 bàn dễ như lấy đồ trong túi mà không lo đến chuyện thủng lưới? Nhìn lại lịch sử các trận đấu của đội U23 và tuyển Việt Nam từ khi ông Park cầm quân thì chúng ta dễ thấy là câu chuyện đã rất cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Việt Nam hay để thủng lưới từ bóng chết và thường là khi chúng ta đang dẫn trước đối phương.
Tại AFF Cup 2018, dù vô địch nhưng tuyển Việt Nam để thua 3 bàn thua từ các tình huống cố định. Có điều gì đó bất ổn trong cách chơi phòng ngự của các học trò ông Park Hang Seo. Ở trận bán kết lượt về với Philippines, chúng ta để thua sau quả phạt góc của đối thủ vào cuối trận khi đang dẫn trước 2-0. Trong trận chung kết lượt đi với chính Malaysia, chúng ta lại 2 lần để thủng lưới sau các quả đá phạt của đối phương khi cũng đang dẫn trước 2-0. Có hai vấn đề được đặt ra ở đây là sự tập trung trong phòng ngự của các cầu thủ và phương án tổ chức phòng ngự chống bóng chết. Dường như chúng ta gặp cả hai vấn đề này.
Khi chưa có bàn thắng làm “vốn” thì chúng ta vẫn chơi tập trung, chắc chắn. Nhưng khi đã dẫn trước đối phương tới 2 bàn thì có vẻ như các cầu thủ đã tự cho phép mình được “thả lỏng” với tâm lí là dù thế nào chúng ta cũng không sợ vì đang dẫn trước đối thủ. Tâm lí ấy dĩ nhiên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc chứ không kéo dài nhưng như thế cũng đủ để đối phương tận dụng. Nên nhớ, bối cảnh tuyển Việt Nam để thủng lưới trước Philippines ở Mỹ Đình là những phút cuối trận. Chúng ta dẫn tới 2-0, chung cuộc cho tới trước khi để thủng lưới chúng ta đang dẫn Philippines tới 4-1 mà thời gian trận đấu chỉ còn rất ít nên các cầu thủ khó tránh khỏi tâm lí thỏa mãn và “thư giãn” trong phòng ngự vì suy nghĩ đã quá chắc thắng. Trước Malaysia ở Bukit Jalil trong trận chung kết lượt đi AFF Cup, chúng ta dẫn 2-0 sau chỉ 21 phút đá ngay trên sân khách, chưa kể nhiều cơ hội ngon ăn khác chúng ta tạo ra còn đối thủ cho tới trước lúc ghi được bàn đầu tiên thì không có “vị” gì nên các cầu thủ cũng không tránh khỏi rơi vào cảm giác buông lơi trong khoảnh khắc và đó là lúc chúng ta nhận bàn thua. Ngay ở trận gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2022, Việt Nam dẫn trước 3-0 nhưng cuối trận để đối thủ gỡ bàn danh dự chỉ vì mất tập trung do đã tạo được lợi thế lớn để chiến thắng.
Rõ ràng sự mất tập trung trong khoảnh khắc được thúc đẩy bởi thuận lợi quá sớm, quá dễ dàng về tỷ số khiến chúng ta không giữ được sự tập trung cao nhất trong phòng ngự.
Bài học càng lúc càng nhiều mà có vẻ như các cầu thủ học mãi vẫn chưa thuộc thành ra bài học lúc nào cũng mới. U22 Việt Nam phải cải thiện ngay vấn đề này để tránh “hậu họa”. Quan trọng hơn cả, trước mắt đoàn quân của HLV Park Hang Seo là những “ngọn núi” cao hơn, khó nhằn hơn gấp bội.
T.D