Muốn sáp nhập một phần Bờ Tây, Thủ tướng Israel hứng chỉ trích
Cam kết trước bầu cử của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là sáp nhập Thung lũng Jordan và vùng Bắc Biển Chết liền kề ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng đã nhận được sự khen ngợi từ các đồng minh cánh hữu, nhưng các đối thủ chỉ trích cho rằng, đây là một nỗ lực nhằm duy trì chức vụ một cách tuyệt vọng.
Cam kết trước bầu cử của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ Palestine, các quốc gia Arab, LHQ và EU. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Netanyahu hôm 10-9 tuyên bố sẽ là bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây, đồng thời nói thêm rằng, các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi sau cuộc bầu cử vào ngày 17-9 tới.
Phát biểu trong buổi họp báo đặc biệt được truyền hình trực tiếp tại Israel, Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là “cơ hội lịch sử” để mở rộng chủ quyền của Tel Aviv đối với Bờ Tây. Ông Netanyahu tuyên bố, Israel sẽ thiết lập chủ quyền đối với thung lũng Jordan nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi. Ông Netanyahu nêu rõ: “Ý định của tôi là sau khi thành lập một chính phủ mới, sẽ áp đặt chủ quyền của Israel đối với thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết”. Tiếp theo sẽ là các khu định cư khác của Israel tại Bờ Tây, sau khi Mỹ đã công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Phá hủy hy vọng hòa bình Israel – Palestine
Nếu hai kế hoạch này kết hợp với nhau, những động thái đó về cơ bản có thể phá hủy mọi hy vọng còn lại về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Guterres, ông Stephane Dujarric cho rằng, các bước đi như vậy, nếu được thực hiện, sẽ tiếp tục là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ông Dujarric nhấn mạnh: "Chúng sẽ gây tổn hại tiềm năng nối lại các cuộc thương lượng và khôi phục hòa bình khu vực, đồng thời làm xói mòn nghiêm trọng khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước". Liên minh Châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố lặp lại sự phản đối của LHQ đối với kế hoạch của Thủ tướng Israel, cho rằng, kế hoạch này là mối đe dọa đối với "triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài".
Các nhà lãnh đạo Palestine cho biết, Netanyahu đang phá hủy mọi hy vọng về hòa bình, trong khi quan chức cấp cao Hanan Ashrawi nói rằng, kế hoạch này "còn tệ hơn cả chế độ phân biệt chủng tộc". Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki kêu gọi HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt đối với Israel sau khi Thủ tướng Netanyahu công khai ý định sáp nhập. Trong khuôn khổ cuộc gặp người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn tại Ramallah, ông al-Malki cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu là sự lợi dụng cuộc bầu cử tại Israel với mục đích mở rộng đồng hóa trong vùng lãnh thổ chiếm đóng của người dân Palestine. Đây là sự coi thường các nghị quyết của LHQ, những định chế liên quan và các quốc gia có mong muốn tiến tới nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Leo thang căng thẳng
Saudi Arabia hôm 11-9 chỉ trích cam kết gây tranh cãi của Thủ tướng Israel Netanyahu là một "leo thang căng thẳng”. Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia (SPA) dẫn tuyên bố của hoàng gia nêu rõ: “Vương quốc Saudi Arabia khẳng định, tuyên bố này của Israel là một leo thang vô cùng nguy hiểm chống lại người dân Palestine và thể hiện sự vi phạm trắng trợn đối với Hiến chương LHQ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế". Saudi Arabia cũng kêu gọi một "hội nghị khẩn cấp" các ngoại trưởng của 57 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC)".
Chính phủ Syria cũng lên án tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu, cáo buộc ông này có chủ nghĩa bành trướng. Bộ Ngoại giao Syria cảnh báo Israel không "vi phạm một cách trắng trợn" các hiệp ước quốc tế. Tuyên bố cho hay động thái này phù hợp với "bản chất bành trướng" của Tel Aviv cũng như lịch sử của nước này "tấn công quyền của người Palestine". Tuyên bố cũng chỉ trích các nước Arab vì đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel, cho rằng những nước này phải chịu trách nhiệm lịch sử cho hành vi xấu xa của Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích quyết định "phân biệt chủng tộc" gây tranh cãi của ông Netanyahu. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đăng tải: “Cam kết tranh cử của ông Netanyahu, người đang truyền đạt tất cả các kiểu thông điệp phi pháp, bất chính và hiếu chiến trước thềm cuộc bầu cử, là một nhà nước phân biệt chủng tộc”. Trong khi đó, người phát ngôn Quốc hội Jordan Atef al-Tarawneh cho rằng, cam kết của ông Netanyahu có thể khiến hiệp ước hòa bình năm 1994 giữa hai nước láng giềng "bị đe dọa".
Nỗ lực giành được phiếu bầu
Ở trong nước, liên minh Xanh và Trắng, đối thủ chính của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử, cùng với nhiều người khác cho rằng, kế hoạch này là một nỗ lực rõ ràng để giành được phiếu bầu của phe cánh hữu, sẽ là chìa khóa cho đảng Likud của ông Netanyahu tiếp tục nắm quyền.
Lãnh đạo liên minh Xanh và Trắng Benny Gantz, người trước đây từng nói về việc Thung lũng Jordan sẽ mãi mãi nằm dưới sự kiểm soát của Israel, cho rằng cam kết của ông Netanyahu là "tuyên bố trống rỗng" sẽ chẳng có gì. Các chính trị gia từ các đảng cực hữu nhỏ hơn đang cạnh tranh với ông Netanyahu trong cuộc bỏ phiếu sắp tới cho rằng, động thái này là quá ít và quá muộn. "Tại sao lại nói về việc thôn tính một tuần trước cuộc bầu cử khi chính phủ có thể quyết định áp dụng nó khi muốn, và ngay cả là trong ngày hôm nay?", Bộ trưởng Giao thông Bezalel Smotrich, một phần của liên minh Yamina cực hữu, đặt câu hỏi. Tuy nhiên, Hội đồng Yesha, một tổ chức ủng hộ các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, cho biết đây là một "sự kiện lịch sử".
1/3 Bờ Tây
Thung lũng Jordan chiếm khoảng 1/3 Bờ Tây và các chính trị gia cánh hữu của Israel từ lâu xem khu vực chiến lược này là một phần của lãnh thổ mà họ sẽ không bao giờ rút lui, coi đó là biên giới phía đông của đất nước. Các khu định cư của Israel nằm ở khu vực được gọi là Khu vực C của Bờ Tây, chiếm khoảng 60% lãnh thổ, bao gồm phần lớn Thung lũng Jordan.
Israel chiếm đóng Bờ Tây trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, một hành động chưa từng được cộng đồng quốc tế công nhận. Các khu định cư của Israel được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và là trở ngại lớn cho hòa bình khi chúng được xây dựng trên phần lãnh thổ mà người Palestine coi là một phần của nhà nước tương lai của họ. Israel tuyên bố Thung lũng Jordan rất quan trọng đối với an ninh của nước này.
AN BÌNH