Mưu sinh nhờ "bọt biển"
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, người dân ven biển bãi ngang phía Đông H. Gio Linh (Quảng Trị) được mùa sứa biển hay còn gọi là "bọt biển". Nghề đánh bắt "bọt biển" mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân nơi đây.
Săn bắt "bọt biển"
Sứa là một loại động vật nhuyễn thể, giàu dinh dưỡng, được xem là một trong những đặc sản của vùng biển, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Từ sáng sớm, nhiều ngư dân vùng biển đã chuẩn bị đồ nghề để ra biển tìm sứa. Nhà nào có ghe, thuyền đánh cá thì ra khơi bủa lưới bắt sứa. Nhà nào không có ghe thì họ đợi sứa trôi dạt vào bờ rồi bắt sứa bằng tay. Ông Nguyễn Dàn (xã Gio Hải, Gio Linh), một ngư dân lão làng cho hay: "Hằng năm cứ vào khoảng tháng 12-tháng 3 âm lịch là sứa vào nhiều. Loài sứa trôi nổi, lênh đênh theo con nước nên ngư dân hay gọi là "bọt biển". Năm nay, do thời tiết và con nước thay đổi nên sứa vào nhiều hơn năm ngoái".
Những người phụ nữ tất bật mưu sinh. |
Theo chân một ngư dân đi tìm sứa, đập vào mắt tôi là hàng ngàn con sứa đã bị cắt lấy phần "chân" nằm ngổn ngang, nối tiếp nhau chạy dài theo bờ biển. Giải đáp thắc mắc của tôi, anh Nguyễn Văn Tường (xã Trung Giang, Gio Linh), đang thoăn thoắt bắt sứa, chia sẻ: "Từ sau tết Nguyên Đán tới giờ, cả làng cả xã ai cũng đi làm sứa. Nhà tôi có 5 người thì đều đi làm sứa cả. Tôi cùng mấy đứa con đi bắt sứa để vợ đi chợ bán. Sứa phải đem về rửa sạch mới bán được. Chỉ lấy phần "chân" con sứa thôi chứ không lấy phần thân. Khách hàng họ chỉ thích ăn phần "chân" sứa vì nó săn chắc, giòn chú ạ". Có nhiều người không đi chợ bán lẻ tẻ mà nhập hàng ngay cho thương lái đang đợi họ ở gần bờ biển. Các thương lái cho xe đông lạnh đến tận nơi để thu mua rồi chở đi bán cho các nhà hàng, công ty, doanh nghiệp sản xuất sứa khô trong và ngoài tỉnh.
Cũng từ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng mà nhiều doanh nghiệp, công ty sản xuất "sứa khô" ra đời. Ở thị trấn Cửa Việt cũng đã có một doanh nghiệp tư nhân sản xuất "sứa khô" tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công. Giá sứa khi bán ở chợ là 10.000 đồng/kg "chân" sứa, 5.000 đồng/kg thân sứa. Còn nếu nhập tại biển cho thương lái thì sứa được lựa chọn kỹ càng hơn và không tính theo kg mà tính từng "chân" sứa (các thương lái không thu mua "thân" sứa), giá sứa từ 15.000-18.000 đồng/"chân" sứa. Giá bán tại các quán, cửa hàng còn cao hơn nữa. Trung bình mỗi ngày, những ngư dân ở đây thu được từ 70 - 100.000 đồng tiền bán sứa. Sứa có thể chế biến thành nhiều món ăn rất hấp dẫn như gỏi sứa, bún sứa, nộm sứa,... nên được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, sứa là món ăn hàng đầu được nhiều người lựa chọn. Cũng nhờ đó mà những ngư dân vùng biển có thêm thu nhập cho gia đình.
Những con sứa trôi dạt vào bờ biển đã bị lấy "chân" |
"Nghề nào nghiệp nấy"
Nghề nào cũng có nỗi khổ cực riêng của nó. Nghề bắt sứa cũng vậy! Sứa là loài có hàm lượng nọc độc ở các xúc tu rất cao. Bình thường, nó dùng nọc độc để bắt con mồi, nhưng khi gặp nguy hiểm thì nó dùng đối phó với kẻ thù. Không ít người đã bị bỏng da, tê liệt tay chân thậm chí nôn mửa, ngất xỉu vì bị sứa "cắn".
Chìa cánh tay bị bỏng rộp ra trước mặt tôi, chị Đào Thị Hải (xã Gio Việt, Gio Linh) tâm sự: "Nghề nào nghiệp nấy chú ơi! Không ai bắt sứa mà không bị như tôi. Nọc của sứa mạnh lắm, bị nó cắn vào là tê nhức cả ngày, mà nọc này càng tiếp xúc với nước thì nó càng phát tác chú ạ. Ngâm mình cả ngày dưới nước để bắt sứa, phải chịu đựng cái tê nhức âm ỉ từ tay đến chân vì bị sứa cắn. Đã làm nghề này rồi thì không mong có được "bàn tay đẹp" nữa, vì tay của ai cũng sần sùi, phồng rộp lên hết cả. Chị em chúng tôi hay đùa nhau rằng "người phụ nữ vùng biển nước da đen sẵn, giờ làm sứa là có thêm bàn tay rộp". Làm cả ngày ngoài biển với nắng, sóng, gió, tối về đến nhà là toàn thân rã rời, mềm nhũn hơn con sứa".
"Cách đây vài hôm, có một người bị buồn nôn, xây xẩm mặt mày phải nằm điều trị cả tuần vì bị sứa "cắn". Những người mới làm hay bị lắm. Chúng tôi làm quen rồi nên cũng thấy thường à", chị Hải cho biết thêm.
Tôi quan sát thấy từ xa, có vài em nhỏ lon ton bắt sứa cùng bố mẹ. Em Nguyễn Thị Duyên (13 tuổi) đang oằn lưng xách một thùng nhựa đựng sứa nặng đầy. Với lứa tuổi như em, các em nhỏ ở thành phố đang được bố mẹ cưng chiều, mặc áo quần đẹp, cuối tuần được đi chơi công viên... nhưng với em Duyên thì sau khi đi học ở lớp về, em phải đi bắt sứa cùng bố mẹ để đắp đổi qua ngày và có tiền ăn học.
Nhìn những món ăn khoái khẩu, nức tiếng như gỏi sứa, lẩu sứa, bún sứa... với từng sợi sứa mỏng manh, trong suốt và mềm mại ai cũng thèm thuồng. Nhưng ít ai biết được đằng sau nó là nỗi nhọc nhằn, bấp bênh của ngư dân vùng biển bãi ngang nghèo khó cũng lênh đênh, trôi nổi như số phận những "bọt biển".
Trung Giang