Mưu sinh sau lũ

Thứ bảy, 16/12/2017 12:40

Mùa mưa lũ là mùa sinh sôi nảy nở của các loại tôm cá trên sông, đồng ruộng, ao hồ. Sau khi lũ rút, những người dân làm nghề sông nước bên sông Vu Gia - Thu Bồn lại vào mùa, kiếm thêm thu nhập chi tiêu trong gia đình.

Một “chợ cá” đầu làng với nhiều loại cá đồng mùa lũ.

Sau lũ do ảnh hưởng bão số 12 đến nay, ngày nào vợ chồng bà Lê Thị Chín cũng ra sông Thu Bồn đánh bắt tôm cá. Khu vực vợ chồng bà Chín thường hay thả lưới và nhá tôm là từ mom sông làng Quảng Đại 1, xã Đại Cường (H. Đại Lộc) đến làng Thu Bồn, xã Duy Tân (H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Thả lưới thì làm ban ngày, ban đêm thì đặt nhá tôm, bình quân mỗi ngày đêm vợ chồng bà bắt được 1-2kg tôm, cá. Bà Chín cho biết, khi lũ về tôm cá trên sông Thu Bồn từ thượng nguồn về cũng nhiều hơn. Ngoài các loại cá như cá tràu, cá diếc, cá leo, cá rô đồng, tôm càng sông…, còn xuất hiện cá chép, cá dưng, cá trôi; kể cả các loại cá nuôi trong các đập thủy điện, hồ chứa nước như cá trắm cỏ, cá điêu hồng, cá trê lai… theo nước lũ ra sông. "Giá một ký tôm bán tại chỗ là 200 ngàn đồng, một ký cá cũng trên 150 ngàn đồng nên bình quân mỗi ngày đêm chài lưới trên sông gia đình tôi có thu nhập từ 200-250 ngàn đồng. Mưa lũ ở quê có thêm thu nhập như thế cũng đủ chi tiêu các việc cần thiết trong gia đình" - bà Chín nói.

Trong khi nhiều người dân quê khá rảnh rỗi trong mùa mưa lũ thì những người làm nghề “hạ bạc” lại tất bật với việc đánh bắt cá sông, cá đồng. Có một cách đánh bắt tôm cá mà người làm nghề “hạ bạc” ở ven các sông Vu Gia, Thu Bồn hay áp dụng là làm đăng đó, rớ cá (kéo tủ), đặt lờ, trúm lươn... Thời điểm sau lũ, đăng đó thường dùng để bắt cá rầm (cá con), tôm tép và các loại cá nhỏ trên sông, khe rạch trong đồng ruộng. Đến khoảng giữa tháng chạp hằng năm, người làm nghề chài lưới lại đóng nò, giăng rớ để bắt các loại cá lớn như chép, trôi, trắm cỏ… Tôm cá bắt được  có người đến tận nơi mua gom đem ra chợ bán. Vì thế, những phiên chợ cá ở quê mỗi sáng lại lao xao tiếng người bán mua.

Hơn nửa tháng qua, gia đình anh Phạm Ba ở Khe Cát, xã Duy Thu (H. Duy Xuyên) cũng có thu nhập khá từ việc đánh bắt cá theo kiểu "cuốn chiếu" sau lũ. Hai vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ trong gia đình anh Ba lấy chiếc ghe làm phương tiện mưu sinh, quãng sông dài làm nơi khai thác. Ngoài việc chài lưới trên sông, tất cả mọi sinh hoạt, ăn ở đều gói gọn trong lòng ghe. Khi bắt tay vào việc mưu sinh sau lũ trên sông nước Thu Bồn, gia đình anh Ba chuẩn bị gạo củi, thức ăn, mắm muối cùng các vật dụng sinh hoạt khác đủ dùng trong vài ngày. Chuẩn bị xong cả gia đình lên ghe ngược nguồn thả lưới. Ngoài giờ ăn nghỉ, vợ chồng anh miệt mài chài lưới, sáng sớm hôm sau thì ghé chợ bán cá tôm, mua thêm thức ăn và các vật dụng cần thiết khác. Nửa tháng đánh bắt "cuốn chiếu" ngược và xuôi sông như thế gia đình anh Ba có thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Chuẩn bị mưu sinh trên sông nước Thu Bồn.

Đến hẹn lại lên, đầu mùa mưa là thời điểm nghề trúm lươn vào “vụ” mới. Năm nay mưa nhiều, lũ lớn nên nghề đặt trúm cũng thuận lợi. Từ khi mặt trời gần gác núi, những người làm nghề trúm lươn mang ống trúm đi đặt, tờ mờ sáng hôm sau đến dỡ trúm mang về, thu “chiến lợi phẩm” là những chú lươn chui vào kiếm ăn rồi bị dính trong trúm. Mỗi người đặt trúm lươn chuẩn bị ít nhất 20-30 ống trúm. Gần chiều tối thì mang ra các bờ ruộng, ao hồ, mé sông đặt; sáng sớm hôm nay ra dỡ trúm đem về trút ống bắt lươn. Đặt trúm thú nhất là khi dỡ trúm. Thường thì sau khi đổ nước ra khỏi ống trúm, thấy hơi nặng tay, xóc nhẹ, nghe tiếng “ọc ạch” bên trong là có lươn đã chui vào. Những ống trúm có lươn được để riêng hoặc làm dấu trước khi mang về nhà. Ông Nguyễn Hai, người làm nghề đặt trúm có kinh nghiệm ở xã Đại Cường (H. Đại Lộc) cho biết: “Trước đây, lươn đồng còn rất nhiều. Mỗi buổi dỡ trúm cũng được mấy ký. Đặt trúm lươn vừa cải thiện bữa ăn gia đình, vừa đem bán có thêm thu nhập gia đình lúc nông nhàn”.

Mưu sinh sau lũ nên những người làm nghề “hạ bạc” lênh đênh sông nước cũng gặp ít nhiều rủi may. Các lão ngư gắn bó với nghề chài lưới từ thuở mới lọt lòng mới thấu hiểu những cực nhọc của nghề này. Đêm khuya mưa gió, nước dâng chảy xiết với bao bất trắc trên sông, đó là những vất vả mà người làm nghề này từng trải qua. Cá tôm trên sông giờ cạn kiệt do môi trường bị ảnh hưởng và nạn khai thác “tận diệt” bằng cách dùng xung điện. Vào mùa nước cạn, hầu hết các gia đình làm nghề “hạ bạc” phải treo lưới chờ mùa mưa lũ tới.

THẠCH HÀ