Mưu sinh trên Hải Vân Quan

Thứ sáu, 16/12/2016 11:23

(Cadn.com.vn) - Đèo Hải Vân - cung đường dài 20 km vắt vẻo qua những sườn núi uốn lượn chênh vênh nối liền TT-Huế với Đà Nẵng. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là biển sâu hun hút, bao năm qua vẫn có những con người lặng lẽ mưu sinh giữa chênh vênh non nước, mặc cho những đổi thay tác động.

Trước  đây, khi chưa có hầm đường bộ đèo Hải Vân, trên  đường thiên lý Bắc Nam, mọi phương tiện giao thông đều phải qua đèo. Tại điểm tạm dừng trên đỉnh đèo là, du khách có thể nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảnh vật, dấu tích một thời của Hải Vân Quan. Từ đó, nơi này là địa điểm buôn bán mưu sinh của một số  người dân hai địa phương sống hai đầu đèo. Năm 2005, khi hầm đường bộ Hải Vân đưa vào sử dụng, lượng xe cộ qua lại trên đèo giảm hẳn. Một thời gian dài, Hải Vân Quan tưởng như đã lãng quên. Nhiều hộ dân buôn bán tại đây đã rời đèo về quê hoặc tìm cách khác sinh sống, có người vào rừng đốn củi kiếm chưa đầy vài chục ngàn đồng một ngày để nuôi gia đình. Nhưng vẫn còn lại vài hộ cố gắng bám trụ lại với hy vọng có sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Các điểm kinh doanh trên đỉnh đèo Hải Vân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên đỉnh đèo Hải Vân hiện chỉ còn 15 hộ kinh doanh, chủ yếu là buôn bán nước giải khát, hàng lưu niệm, quán ăn và một số dịch vụ khác. Còn lại khoảng 8 hộ sống lưng chừng đèo với vài tiệm vá xe, châm nước mui, bán tạp hóa, cuộc sống khá  bấp bênh vất vả. Anh Lê Văn  Dũng  (1972, trú P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chủ quán Dũng Mập trên đỉnh đèo cho biết, anh cùng gia đình bắt đầu mưu sinh trên đỉnh Hải Vân Quan 32 năm trước. Khi đó anh mới 11 tuổi, theo người thân lên đỉnh Hải Vân thuê mặt bằng để làm pháo, bán cà-phê và thức ăn cho những lái xe khách. Đến nay, vợ chồng anh sở hữu quầy lưu niệm khang trang, bán nước uống, đồ lưu niệm như ngọc trai, vòng cẩm thạch, đá. Cũng theo anh Dũng, sau khi thông hầm Hải Vân năm 2005, cung đường bộ qua đèo Hải Vân vắng khách. Công việc kinh doanh ế  ẩm, nhiều hộ nản chí bỏ đi nơi khác. Hải Vân Quan phía Đà Nẵng vẫn còn hơn 20 hộ trụ bám, mạn hướng về TT-Huế hầu hết đều giải nghệ về quê hoặc chuyển xuống hướng đường tránh rẽ vào hầm Hải Vân mở quán kinh doanh. Riêng nhà anh vẫn quyết tâm bám trụ và từ năm 2010 trở đi, khách bắt đầu quay trở lại. Hiện nay đa phần là khách ngoại quốc đi tour du lịch từ Đà Nẵng ra Huế bằng ô-tô. Để giao tiếp với lượng khách này, anh Dũng phải ngày đêm học nhiều loại ngoại ngữ... Hai năm trở lại đây, lượng khách bất ngờ sụt giảm nên công việc kinh doanh của gia đình anh cũng bị ảnh hưởng, khó khăn.

Đỉnh đèo Hải Vân cũng là điểm dừng chân để du khách chụp ảnh lưu niệm và ngắm cảnh nên thu nhập của những hộ buôn bán còn được bảo đảm phần nào. Còn cuộc sống của người dân nơi lưng chừng đèo rất bấp bênh. Chị Võ Thị Thùy Nhung (1970, trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu) cũng có thâm niên hơn 30 năm mưu sinh trên đèo Hải Vân cho biết, chồng chị mất vì ung thư, một mình chèo chống nuôi 3 đứa con với gian hàng lèo tèo chỉ có vài thứ đồ uống, xịt nước cho xe máy, ô-tô với giá từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng. Các đoàn xe chở khách du lịch chạy qua đây không ít nhưng không mấy khi dừng chân ở quán chị. "Còn hơn là ở nhà, với lại làm ăn ở đây lâu rồi, rời đi thì không biết làm gì để nuôi con cả", chị Nhung cười buồn.  Được biết, ngày 17-11, Đà Nẵng và TT-Huế đã ký biên bản ghi nhớ về việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học bao gồm 2 khu vực (khu vực I và khu vực II) thuộc địa giới hành chính của H. Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) và Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để đảm bảo gìn giữ, bảo tồn những hạng mục, yếu tố gốc gắn liền với công trình và tạo cơ sở cho việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo cũng như phát huy hiệu quả giá trị di tích Hải Vân Quan. Theo đó, đề nghị công nhận "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" là di tích quốc gia, xây dựng nhiều chiến lược thu hút khách du lịch trong nhiều năm tới. Đây là sự đột phá mới quan trọng không chỉ cho đèo Hải Vân, mà còn là tín hiệu đáng mừng đối với những người dân đang lay lắt trong cuộc mưu sinh- trông đợi một ngày nào đó Hải Vân Quan lại tấp nập du khách mọi miền.

Ngân Hà