Mỹ-Anh-Australia "bắt tay" gởi thông điệp tới khu vực
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia trong buổi công bố thỏa thuận hợp tác qua hình thức trực tuyến. Ảnh: EPA |
Các ông lớn gồm Anh, Mỹ và Australia đã công bố một thỏa thuận quốc phòng lịch sử ở Thái Bình Dương để chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến, trong nỗ lực được đánh giá là nhằm gởi thông điệp đến các quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã xuất hiện cùng nhau trong một cuộc họp trực tuyến vào hôm 15-9 (giờ Mỹ) nhằm công bố thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng mới giữa 3 quốc gia.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận này, được gọi là Aukus, được công bố trong bối cảnh các quốc gia này lo ngại về sức mạnh ngày càng gia tăng lẫn sự hiện diện về mặt quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Hiệp ước này cũng sẽ bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng. Tuyên bố tiếp tục nói rằng, thỏa thuận quốc phòng cũng sẽ tập trung vào các năng lực về mạng, trí tuệ nhân tạo và "thêm các năng lực dưới biển".
Chính phủ Anh nói đây là một thỏa thuận quốc phòng rất trọng đại - một quan điểm được củng cố từ thực tế là các lãnh đạo của ba nước đã cùng nhau xuất hiện trong cuộc họp video để thông báo về mối quan hệ đối tác này. Việc này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với cả Mỹ và Anh. Dù các quan chức Anh khẳng định thỏa thuận quốc phòng mới này không phải là sự đáp trả đối với bất kỳ quốc gia nào, nhưng London nhấn mạnh nó sẽ giúp nhằm đảm bảo sự thịnh vượng, an ninh và ổn định trong khu vực và ủng hộ một "trật tự dựa trên luật lệ" ôn hòa. Thủ tướng Johnson nhấn mạnh, các quốc gia này là đồng minh hiển nhiên và liên minh sẽ "đưa chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết". Theo ông, chẳng có gì là bí mật khi Anh, Mỹ và Australia cùng chia sẻ mối quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mối quan hệ hợp tác này sẽ cho phép Australia lần đầu tiên có cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai. "Là sáng kiến đầu tiên thuộc hiệp ước Aukus ... chúng tôi cam kết cùng quyết tâm hỗ trợ Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Australia", tuyên bố viết. Các lãnh đạo nói rằng mục tiêu là "giúp triển khai năng lực của Australia trong một thời điểm sớm nhất có thể" và bổ sung rằng "Australia vẫn tiếp tục thực thi các cam kết của một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân".
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia, trong đó có điều khoản hỗ trợ Canberra sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington, Mỹ sau đó đã phản ứng với thông tin về Aukus khi kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận này "rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ". Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho rằng các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".
Theo các chuyên gia, Aukus được cho là nhằm đối phó với tầm ảnh của nước lớn trong khu vực. Việc ông chủ Nhà Trắng nỗ lực rút hoàn toàn quân ra khỏi Afghanistan cũng được cho là nhằm dồn toàn lực cho cú xoay trục về Ấn Độ - Thái Bình Dương.
KHẢ ANH