Mỹ, Australia “bắt tay” kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ năm, 30/07/2020 11:45

Mỹ và Australia ngày 29-7 (giờ Việt Nam) tuyên bố sẽ mở rộng hợp tác quân sự khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, đặt ra một mặt trận chung giữa bộ đôi quyền lực này.

Ngoại trưởng MỹMike Pompeo và người đồng cấp Australia Marise Payne tại cuộc họp báo hôm 29-7. Ảnh: AFP

Bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo AFP, tại cuộc họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ-Australia (AUSMIN) lần thứ 30 vào tối 28-7 (giờ Mỹ), cái tên Trung Quốc đã chi phối toàn bộ cuộc đối thoại “2+2”, giữa 2 quan chức cấp cao của Mỹ là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cùng 2 người đồng cấp Australia là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold.

Kết thúc cuộc họp, hai nước đã ra tuyên bố chung đề cập một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyên bố chung nêu rõ, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ và Australia khẳng định những yêu sách của Bắc Kinh ở vùng biển này không có giá trị theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố nhấn mạnh, Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn” hay “quyền lịch sử” đối với toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông, cho rằng, hành động của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước LHQ Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên khẳng định, phán quyết năm 2016 của PCA là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc. Hai nước nhấn mạnh, tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được nêu ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Giới quan sát nhận định, tuyên bố chung này cho thấy, khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, Washington đã thành công trong việc đưa đồng minh Canberra đứng về phía mình. Trước các cuộc đàm phán hàng năm với phía Washington bất chấp đại dịch Covid-19, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Australia đã đưa ra quan điểm rõ ràng, phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm gửi đến LHQ của Australia nhấn mạnh nước này nhận thấy “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Nếu nói rõ hơn, ủng hộ sự quan điểm tương tự của Mỹ trong vấn đề này.

Tăng cường mạng lưới liên minh và đối tác

Tuyên bố tại cuộc họp báo, Mỹ-Austraia cho rằng, các bên cần tăng cường cam kết không tham gia các hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa ở Biển Đông. Ngoài vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung của hai nước cũng nhấn mạnh đang xem xét tăng cường mạng lưới liên minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, tự do, đảm bảo trật tự dựa trên nguyên tắc. Đây là động thái có thể khiến Trung Quốc tức giận.

“Chúng tôi biết các mối đe dọa mà bạn và phần còn lại của thế giới tự do phải đối mặt. Và chúng tôi luôn sát cánh cùng bạn trong liên minh không thể phá vỡ của chúng ta”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo chung. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã ca ngợi việc Australia điều 5 tàu chiến tham gia các cuộc tập trận vào tuần trước với một nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ và một khu trục hạm Nhật Bản ở Biển Philippines. “Những cuộc tập trận này không chỉ tăng cường khả năng tương tác mà còn gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng chúng ta sẽ bay, chúng ta sẽ đi thuyền và chúng ta sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và bảo vệ quyền của các đồng minh và đối tác của chúng ta làm điều tương tự”, ông Esper nhấn mạnh. Các bộ trưởng cho biết đã thảo luận về các hoạt động mở rộng tại thành phố Darwin, miền bắc Australia, nơi Thủy quân lục chiến Mỹ đã luân chuyển từ năm 2012 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Barack Obama. Mỹ sẽ thiết lập một kho dự trữ nhiên liệu quân sự ở Darwin và các đồng minh sẽ xem xét các cuộc tập trận ở đó với các nước đồng minh - có khả năng liên quan đến Nhật Bản và Ấn Độ.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Australia còn đề cập việc tăng cường hợp tác giữa Liên minh tình báo Five Eyes với ASEAN, đặc biệt hoan nghênh tuyên bố gần đây của lãnh đạo ASEAN khẳng định Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải phù hợp với UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh rằng bất cứ bộ quy tắc nào cũng không được làm phương hại đến quyền và lợi ích của các quốc gia theo luật pháp quốc tế hoặc làm suy yếu cấu trúc khu vực. Mỹ và Australia cũng hoan nghênh Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, thể hiện rõ sự đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

KHẢ ANH