Mỹ - Australia trước nguy cơ “đường ai nấy đi” vì BRI
Theo Ngoại trưởng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “đơn phương ngắt kết nối” với Australia, nếu thỏa thuận về Dự án Vành đai và Con đường (BRI) được ký kết giữa bang Victoria với Trung Quốc gây ảnh hưởng tới viễn thông Mỹ.
Thủ tướng Australia Morrison (trái), Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (giữa) và Thủ hiến bang Victoria Andrew (phải). Ảnh: Wikimedia |
Thủ hiến bang Victoria của Australia, Daniel Andrew đã bị chỉ trích nặng nề khi ký một thỏa thuận về Dự án Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, quy định cho vay và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Victoria vẫn là tiểu bang duy nhất của Australia ký kết thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News hôm 23-5, Ngoại trưởng Pompeo cho hay việc bang Victoria của Australia ký kết với phía Trung Quốc liên quan đến BRI có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối tác tình báo giữa Mỹ và Australia theo cơ chế Five Eyes- liên minh chia sẻ tình báo giữa Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo về khả năng có những rủi ro nếu tham gia các dự án trong khuôn khổ BRI do Trung Quốc khởi xướng. Đặc biệt nếu bang Victoria của Australia tham gia dự án viễn thông trong khuôn khổ sáng kiến này thì có thể sẽ đe dọa đến mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes mà Australia là một thành viên. Và nếu Mỹ cảm thấy không an toàn thì sẽ loại Australia khỏi mạng lưới chia sẻ tình báo then chốt giữa các đồng minh.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến cơ sở hạ tầng viễn thông, hoặc bất cứ yếu tố có thể gây hại cho an ninh quốc gia khi chia sẻ tình báo với đối tác Five Eyes”, ông Pompeo cho biết. “Nếu dự án này tác động xấu tới năng lực bảo vệ thông tin liên lạc của các công dân hoặc mạng lưới an ninh của cộng đồng quốc phòng, tình báo thì chúng tôi sẽ ngừng kết nối, chúng tôi sẽ phải tách ra để bảo vệ sự an toàn cho mạng lưới đối với các thông tin quan trọng. Tôi hy vọng các bạn bè và đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là thành viên của nhóm Five Eyes trong đó có Australia sẽ làm điều tương tự”, ông Pompeo nói.
Ông cảnh báo rằng công dân Australia nên biết rằng mỗi “dự án Vành đai và Con đường đó cần phải được xem xét kỹ lưỡng”, thêm vào đó, một số dự án “có thể chỉ là giao dịch thương mại, nếu vậy, tốt, nhưng gần như tất cả các dự án đều có cái giá của nó”. Ông cam kết chính quyền Washington sẽ duy trì sự tín nhiệm, tin cậy lẫn nhau trong liên minh Five Eyes, và kêu gọi các đối tác, đặc biệt là Australia, hãy làm điều tương tự.
Trong số các đối tác của Five Eyes, New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Cty Huawei và ZTE của Trung Quốc xây dựng mạng 5G ở các bang của họ. Canada và Anh cũng đã mở các cuộc điều tra về việc liệu có những lo ngại về an ninh hay không, và dự định sẽ cấm các Cty này.
Tranh cãi giữa Thủ tướng và Thủ hiến bang Victoria
Một trận chiến đang diễn ra giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew sau khi bang này ký thỏa thuận với Trung Quốc nhằm kết nối bang Victoria với sự phát triển cơ sở hạ tầng chung của BRI. Năm 2018, chính quyền bang Victoria đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc tham gia BRI. Đến tháng 10-2019, bang Victoria đã thỏa thuận khung với Trung Quốc về việc tham gia “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”.
Thỏa thuận không ràng buộc về mặt pháp lý cho phép các Cty xây dựng cơ sở hạ tầng của Victoria có quyền tiếp cận các dự án hàng trăm tỷ USD của BRI. Thỏa thuận cũng khuyến khích các Cty xây dựng cơ sở hạ tầng Trung Quốc hiện diện ở Victoria và đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Tại một cuộc họp báo, khi được hỏi về ý kiến của ông Pompeo ông Andrew nói rằng “tất cả đều là việc của Victoria và chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Trung Quốc”, song nhấn mạnh rằng Victoria sẽ không đồng ý với tất cả mọi thứ mà Trung Quốc đưa ra.
Đối ngược với Thủ hiến Andrew - người đến từ Công đảng Australia (ALP) thuộc phe đối lập trong Quốc hội liên bang ở Canberra- chính phủ liên bang cánh hữu thuộc Liên minh Đảng Tự do-Quốc gia tỏ ra “thù địch” với dự án BRI. Chính quyền liên bang Australia cho rằng bang Victoria đã vượt thẩm quyền khi tự đứng ra ký thỏa thuận quốc tế. Hôm 24-5, Thủ tướng Morrison khẳng định, chính phủ liên bang Australia không ủng hộ bang Victoria tham gia BRI và ký thỏa thuận này với Trung Quốc vào năm 2018. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh “các bang cần phải tôn trọng và công nhận thẩm quyền của chính quyền liên bang trong việc hoạch định chính sách đối ngoại”. Quan điểm này được ủng hộ bởi Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton, người đã nói với đài phát thanh 2GB rằng “Victoria cần giải thích lý do tại sao đây là tiểu bang duy nhất trong cả nước tham gia thỏa thuận này”.
Dự án BRI lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Đây là một dự án khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD, liên quan đến việc đồng tài trợ cho hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới, chủ yếu do Trung Quốc xây dựng. Dự án đầy tham vọng này dự kiến sẽ giúp Trung Quốc hình thành quan hệ đối tác với chính phủ ở 70 quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, nhưng cũng giúp nước này phát triển mối quan hệ, đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên cần thiết và mở rộng ảnh hưởng. Một số nước phương Tây cho rằng, BRI là một cái bẫy nợ, một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ, nhấn mạnh, dự án này có lợi cho tất cả các nước tham gia.
AN BÌNH
Mỹ cảnh báo hệ quả nếu Canada cho Huawei tham gia mạng 5G Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus ngày 4-6 cho biết, Mỹ sẵn sàng xem xét lại thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo với Canada, nếu tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei được bật đèn xanh để tham gia xây dựng mạng lưới 5G ở Canada. Trong tuyên bố, bà Ortagus nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng Chính phủ Canada sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất đối với an ninh quốc gia của nước này”. Chính phủ liên bang Canada hiện vẫn chưa thông báo về quyết định liên quan đến “số phận” của tập đoàn Huawei trong dự án xây dựng mạng 5G tại nước này, sau hơn một năm cân nhắc. Trong phát biểu ngày 4-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau không đề cập đến thời điểm Ottawa đưa ra thông báo, mà chỉ nhấn mạnh quyết định này sẽ đảm bảo để “người dân Canada và các doanh nghiệp được an toàn, đồng thời cũng phải đảm bảo được tính cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông của Canada”. B.N |