Mỹ: Bạo động bùng nổ ở Virginia

Thứ hai, 14/08/2017 09:18

Một vụ lao xe vào đám đông và rơi trực thăng xảy ra cách nhau chỉ vài giờ ở bang Virginia, Mỹ, ngày 12-8 khiến 3 người thiệt mạng.

Chiếc xe lao vào đám đông người biểu tình ở Charlottesville.   Ảnh: CNN

Một người thiệt mạng và 19 người bị thương khi một chiếc xe tăng tốc lao vào đám đông tại thành phố Charlottesville, nơi đang diễn ra cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và các nhóm cánh hữu khác. Cảnh sát trưởng Charlottesville, Al Thomas, cho biết, một phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng trong khi đi bộ qua đường.

Matt Korbon, 22 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, cho biết, hàng trăm người chống biểu tình đang tuần hành thì "bỗng nghe thấy tiếng lốp xe rít lên chói tai". Một chiếc xe sedan màu bạc không biết từ đâu đến đâm vào một chiếc xe khác, sau đó lùi nhanh, cán qua "biển người". Ông Brennan Gilmore, người có mặt tại hiện trường, quay lại khoảnh khắc chiếc xe lao vào đám đông trên phố Water và Fourth tại thành phố Charlottesville. "Hắn ta đi chậm lại, xác định đám đông rồi nhấn mạnh ga. Nhiều người bị hất tung lên", Gilmore kể. "Tất cả chúng tôi bắt đầu chạy tán loạn. Hắn lùi xe và tôi nghĩ hắn có thể sẽ đâm tiếp một cú khác vào đám đông". Gilmore gọi vụ lao xe là hành vi "khủng bố".

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm gây ra vụ việc. Nhà chức trách xác định y là James Alex Fields Jr, 20 tuổi, đến từ thành phố Maumee, bang Ohio. Nghi phạm bị cáo buộc tội danh giết người và cố ý gây thương tích. Sau đó, hai cảnh sát tuần tra bang Virginia thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng trong khi đang "trợ giúp an toàn công cộng với tình hình đang diễn ra ở Charlottesville". Phi công, Trung sĩ H. Jay Cullen, 48 tuổi, và binh sĩ Berke M.M. Bates, 41 tuổi thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Thống đốc bang Virginia erry McAuliffe ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi hàng trăm người thuộc hai phe theo và chống cuộc tuần hành của nhóm ủng hộ da trắng sáng 12-8 đụng độ tại thành phố Charlottesville. Họ tràn ra đường, la hét, đấm đá, ném vật dụng và xịt hóa chất vào nhau, gây nên tình cảnh rối loạn. Chính quyền địa phương phải huy động cảnh sát, dựng rào chắn, phun hơi cay nhằm ổn định tình hình song vẫn không thể kiềm chế đám đông quá khích.

Các nhà chức trách liên bang cho biết, một cuộc điều tra về quyền dân sự trong vụ giết người đã được mở. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết, luật sư của Mỹ Rick Mountcastle đang dẫn đầu cuộc điều tra và có sự hỗ trợ đầy đủ của Bộ Tư pháp. "Bạo lực và cái chết ở Charlottesville đã trở thành trung tâm của luật pháp và công lý của Mỹ. Khi những hành động đó xuất phát từ sự hận thù chủng tộc, họ phản bội các giá trị cốt lõi của chúng ta và điều đó không thể dung thứ", ông Sessions tuyên bố. "FBI sẽ thu thập tất cả các dữ kiện và bằng chứng", tuyên bố từ văn phòng FBI ở Richmond, Virginia, cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang nghỉ ngơi tại bang New Jersey, lên án vụ việc trên. Ông gọi đó là "biểu hiện ghê gớm về sự thù hằn, bạo lực và hỗn loạn" ở Charlottesville, yêu cầu "nhanh chóng phục hồi luật pháp và trật tự cũng như bảo vệ cuộc sống của người vô tội". Ông cho hay đã có cuộc điện đàm với Thống đốc McAuliffe và nhất trí rằng cần phải chấm dứt ngay tình trạng thù địch và chia rẽ. Tổng thống Mỹ khẳng định chính quyền liên bang sẵn sàng hỗ trợ nhà chức trách Virginia giải quyết vụ việc, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, bất kể màu da, tín ngưỡng, tôn giáo hay chính đảng.

Mâu thuẫn sắc tộc

Charlottesville, quê hương của cựu Tổng thống Thomas Jefferson, được biết đến là một thành phố phát triển với dân số 47.000 người. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, 80% cử tri chọn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhưng trong những tháng gần đây, các nhà hoạt động cánh hữu và các thành viên của nhóm Ku Klux Klan bắt đầu phản đối kế hoạch tháo gỡ một bức tượng của Robert E. Lee, vị tướng thống lĩnh liên quân miền nam trong cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865). Charlottesville trở thành tâm điểm của các nhóm cực hữu khi các nhóm lũ lượt đổ về cuộc tuần hành "Đoàn kết vì phe cánh hữu" này. Đêm 11-8, hàng trăm người nhóm cánh hữu đốt đuốc diễu hành quanh trường đại học thành phố, vốn được thành lập bởi Thomas Jefferson vào năm 1819.

Các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại kể từ khi Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái ở Mỹ. Cuộc bạo loạn cho thấy phần nào mâu thuẫn âm ỉ giữa các nhóm sắc tộc trong xã hội Mỹ.

AN BÌNH (Theo CNN)