Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ: Châu Á lo lắng và hy vọng

Thứ bảy, 03/11/2018 11:48

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ lần này sẽ đánh dấu 2 năm kể từ sau chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Donald Trump – bài toán thử nghiệm đầu tiên về vị thế của đảng Cộng hòa của ông trong mắt cử tri.

Hàn Quốc lo ngại Mỹ sẽ thay đổi chính sách về Triều Tiên nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hồi tháng 6.   Ảnh: AP

Nước Mỹ sẽ bước vào cuộc đua chính trị khốc liệt vào ngày 6-11 tới, trong đó, tất cả 435 ghế trong Quốc hội sẽ được định đoạt lại, trong bối cảnh có nhiều dự đoán về một chiến thắng cho đảng Dân chủ.

Dân chủ hay Cộng hòa?

Đây là cuộc bầu cử đánh dấu điểm giữa trong nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống - và năm nay nó đặc biệt được chú ý hơn nữa, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mặc dù ông Trump không có tên trên lá phiếu, nhưng rõ ràng, kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về những thành tựu của ông và đánh giá năng lực nắm quyền của vị tỷ phú của đảng Cộng hòa này.

Tuy nhiên, không chỉ nước Mỹ hồi hộp, lo lắng, cả thế giới đều dõi mắt vào ván bài chính trị lần này, nhất là các quốc gia Đông Bắc Á. Theo giới quan sát, hy vọng và lo lắng đang bao phủ khu vực này. Bởi thực tế, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã làm rung chuyển Châu Á hơn bất kỳ châu lục nào khác. Giờ đây, Bắc Kinh, Seoul và các thủ đô khác ở Châu Á đang chờ xem liệu đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát ít nhất một viện trong Quốc hội từ tay đảng Cộng hòa hay không và liệu điều đó có làm thay đổi đáng kể các sáng kiến thương mại và chính sách đối ngoại của Washington hay không. Tại Hàn Quốc, mối quan tâm đặc biệt là việc ông Trump có thể khó khăn trong vấn đề Triều Tiên hay không. Với Trung Quốc, đó là hy vọng ông chủ Nhà Trắng dịu giọng hơn trong cuộc chiến thương mại đang rất nóng bỏng.

“Bóng ma” thương mại

Người dân Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua, nhưng nay thì khác. Đó là do chính sách thương mại của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh, vốn làm bùng nổ cuộc chiến thương mại gay gắt như hiện nay.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đẩy mạnh tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm nhằm vào nhau. Ông Trump còn cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và không công bằng trong việc bảo vệ thị trường nội địa và các Cty nhà nước. Phát biểu tại LHQ hồi tháng 9, ông Trump thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, nói rằng, Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa chiến thắng vì những khó khăn của ông về thương mại. Tổng thống Trump không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của mình, một cáo buộc mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thẳng thừng bác bỏ.

Trong bối cảnh đó, nhiều người hy vọng, kết quả của cuộc bầu cử lần này có thể giúp thay đổi quan hệ Trung-Mỹ theo hướng tích cực hơn. Đó là hy vọng, một trở ngại chính trị đối với ông Trump có thể khiến ông dịu giọng hơn trong một số chính sách đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, một chiến thắng cho đảng Dân chủ sẽ không mang lại những thay đổi cơ bản cho chính sách của ông Trump về Trung Quốc. “Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có quan điểm và thái độ tương tự về Trung Quốc”, một chuyên gia nhận định và nói thêm: “Nếu đảng Cộng hòa thất bại, có thể sẽ khiến ông Trump gặp một số khó khăn, nhưng nó chắc chắn sẽ không có tác động cơ bản đối với quan hệ Trung-Mỹ”.

Chuyên gia Nhật Bản Hiro Aida cũng cho rằng, sẽ không có thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại của Mỹ với Tokyo nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng. Tokyo cũng lo lắng sau khi ông Trump đe dọa áp đặt thuế quan đối với ô-tô và phụ tùng ô-tô nhập khẩu từ Nhật.

Bài toán Triều Tiên

Ông Trump có thể mất khá nhiều “vốn liếng” chính trị để thúc đẩy chính sách Triều Tiên của mình nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa chỉ giữ quyền đa số ở Thượng viện.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ lâu nay chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump với Triều Tiên và sự hăng hái của ông đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un như một đối tác, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng đã tặng quà cho Bình Nhưỡng mà không nhận lại được gì. Một Hạ viện dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ có thể điều tra các chính sách Triều Tiên của Tổng thống Trump và yêu cầu thêm thông tin về chương trình hạt nhân và động cơ của Bình Nhưỡng.

Du Hyeogn Cha, một học giả ở Seoul, cho biết, Tổng thống Trump đang có dấu hiệu làm chậm tốc độ ngoại giao của mình với Bình Nhưỡng, và bất kỳ chiến thắng nào của phe Dân chủ sẽ khiến ông Trump e ngại hơn trong chiến lược Triều Tiên. Và tất nhiên, một chính sách khó khăn hơn của Mỹ đối với  Triều Tiên có thể tạo ra “các biến chứng” cho Hàn Quốc, trong bối cảnh quan hệ Bình Nhưỡng - Seoul đang ấm dần lên. Thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra dấu hiệu thuyết phục rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng giải quyết kho vũ khí hạt nhân của họ.

Tất nhiên, kết quả cuộc bầu cử lần này không chỉ vì thương mại và Triều Tiên, mà còn phản ánh hy vọng lớn hơn cho sự phục hồi của cái mà giới chuyên gia gọi là “vai trò lãnh đạo đạo đức của Mỹ”. Nhiều người đặt câu hỏi, vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới sẽ như thế nào nếu Tổng thống Trump tiếp tục cư xử như ông đã làm trong 2 năm qua?

KHẢ ANH