Mỹ "bó tay" trước vũ khí siêu thanh Nga, Trung
Trong một loạt phát biểu bộc trực khác thường, tướng Không quân John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân, cảnh báo Nga và Trung Quốc đang tích cực phát triển các vũ khí siêu thanh mới, đánh bại khả năng phòng thủ hiện thời của nước này.
Một tên lửa siêu thanh của Tập đoàn nghiên cứu RAND (Mỹ). Ảnh: CNBC |
Loại vũ khí làm thay đổi chiến trường trong tương lai
Vũ khí siêu thanh có thể bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Vũ khí siêu thanh có thể thay đổi chiến trường trong tương lai, vì chúng có thể điều chỉnh hướng bay và không theo quỹ đạo nhất định như tên lửa thông thường, khiến chúng trở nên khó theo dõi và đánh chặn.
Theo giới phân tích, vũ khí siêu thanh có thể đạt vận tốc Mach 5 hay 6.125 km/h. Các tên lửa siêu thanh bay vào không gian sau khi phóng, nhưng sau đó sẽ hạ thấp độ cao và bay với tốc độ cao theo lộ trình tương tự một máy bay. Đường đi thấp hơn khiến chúng dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (gồm các vệ tinh và radar) và có thể tấn công trúng mục tiêu chỉ vài phút sau khi phát hiện.
Hiện, các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đang nỗ lực không biết mệt mỏi để hoàn thiện công nghệ sản xuất loại vũ khí này. "Cả Trung Quốc và Nga đang tích cực phát triển năng lực siêu thanh. Chúng ta chứng kiến họ thử nghiệm những năng lực này", tướng Hyten cho biết. Trung Quốc đã thử nghiệm đầu đạn siêu thanh vào tháng 11-2017, trong khi Nga cũng hoàn tất việc thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh liên lục địa Avangard mà Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định là loại tên lửa siêu thanh "bất khả chiến bại" vào ngày 1-3 vừa qua.
Avangard có thể nhắm bắn mục tiêu với tốc độ nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, và sẽ tấn công "tựa một quả cầu lửa". Theo kế hoạch, tổ hợp hệ thống Avangard đã sẵn sàng đưa vào sử dụng cuối năm 2018, chậm nhất là năm 2019.
Mỹ phải làm gì?
Hồi tháng 2, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã cảnh báo: "Sự phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc vượt xa và chúng ta đang tụt lại phía sau. Chúng ta cần tiếp tục theo đuổi và trong một cách mạnh mẽ nhất để đảm bảo rằng chúng ta có khả năng bảo vệ chống lại vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và phát triển vũ khí tấn công siêu tốc của chúng ta".
Ông Hyten và nhiều quan chức quân đội khác cho biết, thế hệ vệ tinh và radar hiện thời của Mỹ sẽ không đủ để phát hiện các vũ khí thế hệ mới này. "Chúng ta chưa có hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn khi họ triển khai các vũ khí trên", ông Hyten phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tuần trước. Theo tướng Hyten, Nga và Trung Quốc có thể chưa đưa vào sử dụng các loại vũ khí mới này trong vài năm tới, nhưng Mỹ cần phải thực thi thay đổi khẩn cấp đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa nếu không muốn mất khả năng ngăn chặn những loại vũ khí này khi triển khai thực tế. "Trung Quốc đã thử nghiệm các tính năng siêu thanh. Nga và chúng ta cũng vậy. Các tính năng siêu thanh là một thách thức nghiêm trọng. Chúng ta cần một hệ thống cảm biến khác để giám sát các mối đe dọa đó. Kẻ địch của chúng ta cũng biết điều này", ông Hyten nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Lầu Năm góc hiện đang xét duyệt lại các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ để xác định cần bổ sung thêm những tính năng mới gì cho chúng. Ông Hyten hiện đề xuất thiết lập hệ thống cảm biến tốt hơn, đồng thời cải thiện các đầu đạn với khả năng sát thương cao hơn.
Trong ngân sách dự kiến 9,9 tỷ USD cho năm 2019, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) yêu cầu 120 triệu USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh, tăng 75 triệu USD so với năm 2018. Theo Giám đốc phụ trách hoạt động của MDA Gary Pennett, việc triển khai tiềm năng các vũ khí siêu thanh của đối phương có thể phóng từ tàu ngầm, máy bay hoặc tàu chiến sẽ tạo ra khoảng trống đáng kể trong khả năng đánh chặn. Mỹ đã phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh trong nhiều năm qua. Không quân Mỹ thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51A Waverider vào năm 2012. Nó có thể bay với tốc độ Mach 6 (khoảng 5.800 km/h) và tương lai sẽ bay nhanh hơn.
AN BÌNH