Mỹ cân nhắc rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan vào ngày 1-5

Thứ ba, 09/03/2021 15:00

Ngày 7-3, Chính phủ Mỹ khẳng định vẫn để ngỏ toàn bộ các phương án liên quan 2.500 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan, nhấn mạnh Washington vẫn chưa đưa ra quyết định về các cam kết quân sự sau ngày 1-5 tới.

Lực lượng an ninh Afghanistan đến địa điểm xảy ra vụ đánh bom xe gần khu vực có lực lượng Mỹ đóng đông nhất ở Afghanistan, thuộc tỉnh Parwan, hồi tháng 11-2019.   Ảnh: AFP

Mỹ kêu gọi Afghanistan nhanh chóng đàm phán

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi giảm bạo lực trong 90 ngày ở Afghanistan, một nỗ lực hòa bình mới do LHQ chủ trì, đồng thời cảnh báo Mỹ đang cân nhắc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 1-5 cùng với các biện pháp khác. 

Trong một bức thư của Ngoại trưởng Blinken gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani do các hãng tin công bố, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi đưa Kabul và Taliban đến bàn đàm phán do LHQ hậu thuẫn. Cuộc đàm phán này sẽ có sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao và đặc phái viên từ Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ, “để thảo luận về một cách tiếp cận thống nhất nhằm hỗ trợ hòa bình ở Afghanistan”.

Ông Blinken cũng kêu gọi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần tới để dàn xếp về đề xuất sửa đổi nhằm giảm bạo lực trong vòng 90 ngày. Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad chia sẻ với cả chính phủ Afghanistan và Taliban các đề xuất bằng văn bản nhằm đẩy nhanh các cuộc thảo luận. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập cuộc họp cấp cao của hai bên trong những tuần tới để hoàn tất thỏa thuận hòa bình.

Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Tổng thống Ghani nhanh chóng chấp nhận đề xuất. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh lo ngại rằng tình hình an ninh có thể nhanh chóng xấu đi khi thời tiết ấm lên cùng với làn sóng tấn công vào mùa Xuân của Taliban trong thời gian tới. “Ngay cả khiMỹtiếp tục hỗ trợ tài chính cho các lực lượng của ngài sau khi Mỹ rút quân, tôi lo ngại tình hình an ninh sẽ xấu đi và Taliban có thể giành được lãnh thổ nhanh chóng" - ông Blinken nêu trong thư.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối xác nhận bức thư trên, đồng thời cho biết Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về lực lượng quân đội ở Afghanistan sau ngày 1-5.

Afghanistan sẵn sàng thảo luận bầu cử với Taliban

Trước đó, nhằm thúc đẩy các cuộc hòa đàm với lực lượng Taliban, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 6-3 tuyên bố chính phủ của ông đã sẵn sàng thảo luận về việc tổ chức cuộc bầu cử mới, đồng thời khẳng định tất cả các chính phủ mới đều nên được thành lập thông qua tiến trình dân chủ này. 

Trong tuần qua, Tổng thống Ghani đã có cuộc gặp với đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad tại thủ đô Kabul, thảo luận các biện pháp nhằm tạo động lực cho tiến trình hòa đàm đang bị bế tắc với các đại diện Taliban.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chính sách đối với Afghanistan, trong đó có thỏa thuận hòa bình đạt được giữa chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump với Taliban vào đầu năm 2020 vốn mở đường cho đàm phán giữa phiến quân và chính phủ Afghanistan. Theo thỏa thuận này, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước tháng 5-2021. Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan.

Theo các quan chức quốc gia Afghanistan và các nhà ngoại giao phương Tây, trong chuyến thăm Kabul, đặc phái viên Khalilzad đã nêu ý tưởng thiết lập 1 chính phủ tạm thời sau khi thuyết phục đưa các quan chức chính phủ Afghanistan và thủ lĩnh Taliban dự một hội nghị đa phương bên ngoài lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, theo tổng thống Ghani, cách duy nhất để thành lập chính phủ là thông qua bầu cử. “Chuyển giao quyền lực thông qua bầu cử một nguyên tắc không thể thương lượng đối với chúng tôi”.

Đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban do Mỹ làm trung gian diễn ra từ tháng 9-2020, liên tục bị ngắt quãng vì bạo lực diễn ra ở quốc gia Nam Á này. Đến nay, đàm phán vẫn chưa có tiến triển. Bạo lực và các vụ giết người có mục tiêu đã tăng vọt. Giới chức an ninh phương Tây cho biết, phiến quân, vốn đang chiếm dải đất rộng lớn ở các vùng nông thôn, đang bắt đầu tiến về các thị trấn và thành phố.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã điện đàm với Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad, để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến tiến trình đàm phán hòa bình tại Afghanistan. Ấn Độ đang hết sức quan tâm tới tình hình chính trị Afghanistan, sau khi Mỹ ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Phía Ấn Độ cho rằng cần phải thận trọng để đảm bảo rằng bất kỳ tiến trình nào như vậy cũng không được phép tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố hoành hành. Trong những năm qua, Ấn Độ đã viện trợ phát triển cho Afghanistan với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.

AN BÌNH

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh tạo thuận lợi cho bầu cử

Ngày 7-3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giúp người dân Mỹ đi bỏ phiếu dễ dàng hơn trong bối cảnh một số bang do phe Cộng hòa kiểm soát tìm cách hạn chế quyền bầu cử sau khi cựu Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2020.

Theo đó, Đạo luật "Vì Nhân dân" sẽ mở rộng quyền bỏ phiếu qua đường bưu điện, thiết lập việc tự động đăng ký cử tri, cấm việc tái phân chia khu vực bầu cử theo đảng phái và áp đặt các quy định mới về việc tài trợ cho các chính đảng. Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang xem xét cải thiện quy trình bầu cử, đặc biệt chú trọng tới nhóm cử tri khuyết tật, cử tri đang thụ án và nhóm gặp khó khăn khác. Trong sắc lệnh mới, Tổng thống Biden chỉ thị các cơ quan liên bang trong vòng 200 ngày phải trình kế hoạch chiến lược, trong đó vạch ra những bước đi cụ thể nhằm mở rộng sự tham gia và đăng ký cử tri. Sắc lệnh cũng cũng chỉ đạo cơ quan chức năng Mỹ hiện đại hóa hoặc nâng cấp các trang web liên bang và các dịch vụ số hóa nhằm cung cấp những thông tin về bầu cử và bỏ phiếu.  Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết các nghị sĩ trúng cử vào cơ quan lập pháp tại 43 bang đã đề xuất 250 dự luật nhằm thu hẹp quyền bỏ phiếu của người dân Mỹ và ông sẽ không để điều đó xảy ra.

A.B