Mỹ chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19, Châu Á được ưu tiên

Thứ bảy, 05/06/2021 08:39

Ngày 3-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chi tiết về kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mà ông đã công bố trước đó cho các quốc gia khác trên thế giới. Khoảng 7 triệu liều trong số này sẽ được chia sẻ với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Một nhân viên bốc dỡ vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX tại sân bay quốc tế Entebbe, Uganda hồi tháng 3-2021.  Ảnh: AFP

75% trong số khoảng 80 triệu liều vaccine nói trên sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi. Trong khi đó, 25% số vaccine còn lại dành cho những nhu cầu cấp bách, trong đó có những quốc gia đang trải qua đợt tăng đột biến số ca mắc COVID-19, các nước láng giềng cũng như các quốc gia yêu cầu sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Mỹ.

Trong 25 triệu liều vaccine COVID-19 cung cấp đợt đầu tiên này, sẽ có gần 19 triệu liều được phân bổ qua chương trình COVAX. Cụ thể, khoảng 6 triệu liều sẽ dành cho các nước Trung và Nam Mỹ, khoảng 7 triệu liều vaccine sẽ được chia sẻ với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, khoảng 5 triệu liều dự kiến được chia sẻ với các nước Châu Phi, thông qua hoạt động phối hợp sàng lọc cùng Liên minh Châu Phi (AU). Ngoài ra, có khoảng 6 triệu liều nữa sẽ dành để cung cấp cho các đối tác và khu vực ưu tiên như Mexico, Canada, Hàn Quốc, Bờ Tây và Dải Gaza, Ukraine, Kosovo, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Ấn Độ, Iraq, Yemen và các nhân viên tuyến đầu của LHQ.

Mỹ - "kho vũ khí vaccine" cho thế giới

Tổng thống Biden cho rằng lô vaccine lần này sẽ góp phần gia tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, ngăn chặn các ca nhiễm mới, cũng như giảm gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Nhà Trắng khẳng định kế hoạch chia sẻ vaccine này là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu chung của Mỹ nhằm dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có hỗ trợ y tế công cộng khẩn cấp, viện trợ để ngăn chặn sự lây lan, xây dựng năng lực y tế công cộng toàn cầu. Trong một thông báo, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, Tổng thống Biden đã cam kết về việc Mỹ sẽ là "kho vũ khí vaccine" cho thế giới. 

Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Mỹ sẽ theo đuổi một số biện pháp bổ sung, ngoài nguồn tài trợ dành cho COVAX. Theo đó, Mỹ sẽ ủng hộ từ nguồn cung cấp vaccine của Mỹ cho thế giới và khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, làm việc với các nhà sản xuất Mỹ để tăng số liều vaccine cho phần còn lại của thế giới, đồng thời giúp nhiều quốc gia hơn nữa trong việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, trong đó có thông qua chuỗi cung tứng toàn cầu.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) Munir Akram đã bày tỏ hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đóng góp vào tiến trình phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Ông Akram nhấn mạnh ông hy vọng Mỹ - nước sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên được phê duyệt, sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới để phân phối vaccine một cách bình đẳng.

Tới nay, Mỹ đã cam kết cung cấp 4 tỷ USD cho COVAX. Đồng thời, Washington cũng phát động các mối quan hệ đối tác để tăng cường năng lực sản xuất vaccine COVID-19. Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden cũng hứa tài trợ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden cũng cam kết chuyển thêm 20 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cho thế giới.

Kêu gọi G7 hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 3-6 đã kêu gọi các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự tính nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 dư thừa trong những tháng tới để chia sẻ số vaccine này với các nước đang phát triển sớm nhất có thể. 

Trong một tuyên bố chung gửi tới G7, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận vaccine, trong đó có người dân ở những quốc gia đang phát triển. Theo hai quan chức này, việc người dân trên toàn cầu được tiếp cận vaccine mang lại hy vọng tốt nhất để chấm dứt đại dịch, cứu sống nhiều người và đảm bảo phục hồi kinh tế trên diện rộng. Các lãnh đạo WB và IMF kêu gọi các nước G7 dự tính nguồn cung dư thừa vaccine ngừa COVID-19 để chia sẻ một cách minh bạch với các nước đang phát triển càng sớm càng tốt, đồng thời các nước đang phát triển cần nhanh chóng đưa ra các kế hoạch mua và phân phối vaccine phù hợp cũng như nỗ lực tuyên truyền về tầm quan trọng của vaccine trong phòng, chống dịch bệnh. IMF cho rằng việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng sẽ giúp thúc đẩy nối lại hoạt động kinh tế nhanh hơn, theo đó đến năm 2025 có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới khoảng 9.000 tỷ USD.

AN BÌNH

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 172.842.381 ca, trong đó có 3.715.110 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh tiếp tục là những vùng dịch "nóng nhất". Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 155.776.028 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.351.186 ca và 89.454 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.