Mỹ "cứu" Nhật khỏi khủng hoảng năng lượng?
(Cadn.com.vn) - Nhật lần đầu tiên nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ từ cơ sở Kenai ở Alaska vào năm 1969. Kenai hiện đã đóng cửa và các quan chức Alaska yêu cầu ConocoPhillips xem xét nối lại việc xuất khẩu dầu. Nhưng câu chuyện thực sự đến từ tiểu bang lớn thứ hai của Mỹ: Texas và bang láng giềng Louisiana. Tại hai bang này, các cơ sở sản xuất LNG đang tìm kiếm nơi để xuất khẩu với tham vọng biến Mỹ trở thành một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Người ta cho rằng, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ có thể giúp Nhật Bản giải bài toán an ninh năng lượng mà Tokyo đang tìm kiếm nhưng liệu có thành công.
Khủng hoảng năng lượng
Ngày 6-10, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cho biết, nước này mở cửa đón nhận sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm ngăn chặn hiện tượng nước nhiễm xạ rò rỉ ngày càng lan rộng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Rõ ràng, các nguồn cung cấp LNG mới là tin vui đối với các nhà máy điện Nhật Bản trong bối cảnh nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng rò rỉ phóng xạ và các vấn đề khác tại nhà máy điện Fukushima. Tính đến ngày 15-9, Nhật chấm dứt toàn bộ hoạt động các lò phản ứng hạt nhân, vốn sản xuất 30% lượng điện cho đất nước.
Nhu cầu LNG tăng đáng kể khiến các Cty điện lực Nhật phải trả 20 USD cho mỗi triệu BTU nhập khẩu - gấp 2 lần chi phí từ Bờ Vịnh Mỹ - bởi vì Tokyo không có nguồn năng lượng nhanh chóng thay thế nguồn điện hạt nhân. Nhật Bản có đủ than để chạy các nhà máy nhiệt điện để cung cấp cho hơn 6 triệu gia đình trong mùa hè cao điểm.
Tuy nhiên, sẽ không có thêm một nhà máy nhiệt điện nào lớn hơn được xây dựng từ nay đến năm 2023. Tokyo còn phải đáp ứng nhu cầu điện cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đồng thời giữ giá điện ổn định để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này khiến việc nhập khẩu LNG là lựa chọn khả thi duy nhất.
Có thể, Mỹ - với môi trường, kinh tế và chính trị an toàn hơn nhiều so với bất kỳ khu vực xuất khẩu LNG nào toàn cầu khác - sẽ giúp cung cấp cho Tokyo một nguồn LNG ổn định. Đầu tiên, Mỹ là một quốc gia có đẳng cấp thế giới về trữ lượng khí đốt. Thứ hai, Washington có hàng chục tập đoàn sản xuất khổng lồ. Thứ ba, các nhà sản xuất Mỹ được hưởng quyền tiếp cận mạng lưới đường ống dẫn khí quốc gia nên có thể nhanh chóng cung cấp cho bất kỳ nơi nào trên thế giới. Thứ tư, chi phí sản xuất khí tại Mỹ thấp hơn nhiều so với các đối thủ khác như Australia và nhiều nước khác. Và cuối cùng, việc mở rộng kênh đào Panama sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại LNG giữa Mỹ với Nhật Bản và các nước Châu Á khác.
Bể chứa LNG tại Nhà máy điện Futtsu, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Tầm ảnh hưởng chiến lược
Các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ, sẽ bắt đầu đưa khí vào thị trường với quy mô lớn trong năm 2016-2017, đã đồng ý cung cấp cho Nhật ít nhất 7,4 triệu tấn LNG mỗi năm, chiếm 8,5 % tổng khối lượng LNG Nhật Bản tiêu thụ vào năm 2013. Cty Điện lực Tokyo, một trong những nhà tiêu thụ LNG lớn nhất của Nhật Bản, hồi tháng 2 cũng cam kết mua 800.000 tấn LNG/ năm từ dự án Cameron LNG ở Louisiana trong vòng 20 năm, bắt đầu từ năm 2017.
Liệu trục năng lượng mới nổi Texas - Tokyo có thay đổi thị trường LNG toàn cầu? Có lẽ ảnh hưởng sâu sắc nhất là về mặt giá cả. Nguồn cung cấp LNG lớn từ Mỹ cho người tiêu dùng Châu Á sẽ khiến giá LNG trên thị trường toàn cầu hạ thấp. Đến năm 2025, nhu cầu LNG toàn cầu có thể vượt quá 400 triệu tấn, và hơn 10% nhu cầu này đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều này có nghĩa là LNG của Mỹ có thể phát huy tác dụng đáng kể trên cơ cấu giá LNG toàn cầu. Ngoài ra, khối lượng đáng kể LNG của Mỹ có thể sẽ được bán vào các thị trường ngắn hạn. Điều này giúp giữ giá thấp và tạo điều kiện cho Châu Á và các thị trường đang phát triển khác được sử dụng nhiều khí đốt sạch hơn.
Đối với Nhật Bản, việc này không chỉ giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Tokyo mà còn thắt chặt mối quan hệ kinh tế và chiến lược giữa hai nước với các đồng minh quan trọng khác ở Châu Á.
An Bình
(Theo Diplomat)