Mỹ đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ

Thứ hai, 29/05/2023 16:20
Theo một nguồn thạo tin ngày 27-5, Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Hạ viện đã đạt được thỏa thuận dự kiến nâng mức trần nợ của chính phủ liên bang, hiện đang ở mức 31.400 tỷ USD, mở ra hy vọng chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden
tại Washington hôm 22-5. Ảnh: AFP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden
tại Washington hôm 22-5. Ảnh: AFP

Theo AP, sau cuộc gọi kéo dài 90 phút, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về cơ bản đã nhất trí trong các vấn đề liên quan tới hạn chế chi tiêu liên bang và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập trước thời hạn ngày 5-6.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội để thảo luận về những diễn biến của các cuộc đàm phán. Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán hàng đầu khẳng định: "Những vấn đề lớn, gai góc nhất vẫn chưa được giải quyết và đây sẽ là những vấn đề mà Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện phải trực tiếp thảo luận".

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng đã có cuộc họp với các nhà đàm phán Cộng hòa tại Đồi Capitol sáng 27-5 để thống nhấp lập trường trong việc thúc đẩy một thỏa thuận tăng giới hạn vay của quốc gia và tránh để xảy ra một vụ vỡ nợ liên bang, cũng như yêu cầu việc cắt giảm chi tiêu. Ngay sau đó, ông McCarthy thông báo rằng các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã "tiến gần hơn đến một thỏa thuận".

Những nội dung cơ bản của thỏa thuận

Theo hãng tin Bloomberg, ông Biden và ông McCarthy thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, qua đó sẽ kéo dài giới hạn nợ đến năm 2025. Như vậy trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền. Điều này được xem là cực kỳ có lợi cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là ông Biden, khi không phải lo lắng về việc lại phải đàm phán về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Thỏa thuận mới cũng cho phép các khoản chi ngoài quốc phòng giữ nguyên trong năm 2024 và tăng 1% trong năm 2025. Phạm vi giới hạn sẽ là các khoản ngân sách cho các cơ quan liên bang và chương trình chính phủ mà Quốc hội có thể điều chỉnh định kỳ. Các chương trình bắt buộc như Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng. Chi tiêu quốc phòng năm 2024 sẽ tăng 3,3%, đúng theo đề xuất ngân sách của ông Biden. Đây là điểm khác với thỏa thuận nâng trần nợ năm 2011. Khi ấy, việc giới hạn chi tiêu công được thực hiện ở cả lĩnh vực quốc phòng và ngoài quốc phòng. Với thỏa thuận này, nhiều chương trình liên bang sẽ bị cắt giảm ngân sách. Quốc hội vẫn cho phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh, bệnh dịch.

Thoản thuận này phù hợp với tiêu chí, mỗi bên "nhượng bộ" một chút để đạt sự thỏa hiệp. Đảng Dân chủ thất bại trong việc yêu cầu nâng trần nợ mà không cắt giảm chi tiêu, trong khi Đảng Cộng hòa không thành công trong việc yêu cầu cắt giảm các khoản ngân sách lớn hơn.

Bước đệm quan trọng

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và ông McCarthy diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố trước Quốc hội rằng nước Mỹ có thể vỡ nợ trước ngày 5-6 - muộn hơn bốn ngày so với dự báo trước đó - nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời để nâng trần nợ liên bang. Việc thời hạn vỡ nợ được nới ra giúp hai bên có thêm một chút thời gian để hướng tới một thỏa thuận chung.

Thỏa thuận giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ là bước đệm quan trọng để ngăn chặn một vụ vỡ nợ có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Giới quan sát cho rằng kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.

AN BÌNH