Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc xung quanh vụ sản xuất chip

Thứ năm, 25/05/2023 14:42
Mỹ đã có phản ứng chính thức sau khi Trung Quốc cấm các công ty nước này khai thác những cơ sở hạ tầng thiết yếu sử dụng chip do Micro Technology sản xuất.
Các sản phẩm của Micron được cho là có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các sản phẩm của Micron được cho là có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cấm hãng chip hàng đầu của Mỹ

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) hôm 22-5 ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ vì cho rằng các linh kiện này tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh quốc gia. Thông báo của CAC cho biết, sau quá trình điều tra đối với các sản phẩm của Micron, cơ quan quản lý Trung Quốc phát hiện ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh mạng và có thể gây ra những đe dọa lớn về an ninh cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin chủ chốt của Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Chính vì vậy, CAC kết luận rằng các sản phẩm trên đã không vượt qua được bài kiểm tra về an ninh mạng và theo các quy định về vấn đề này thì các đơn vị khai thác hạ tầng thông tin chủ chốt của Trung Quốc cần phải chấm dứt việc nhập khẩu sản phẩm của tập đoàn Micron.

Mỹ "quan ngại"

Phản ứng về lệnh cấm của Trung Quốc đối với các sản phẩm của công ty sản xuất chip Micron, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ "rất quan ngại về các báo cáo Trung Quốc đã hạn chế một số ngành trong nước mua chip bán dẫn của Micron". Ông Miller cho rằng "hành động này có vẻ không phù hợp với những khẳng định của Trung Quốc về việc mở cửa cho hoạt động kinh doanh và cam kết một khung quy định minh bạch".

Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ "kiên quyết phản đối các biện pháp hạn chế không có cơ sở thực tế", đồng thời cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc đối với hãng chip Micron và "các cuộc tấn công nhằm vào các công ty Mỹ khác" gần đây không phù hợp với cam kết đã nêu của Bắc Kinh đối với một thị trường mở và khung pháp lý minh bạch. "Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với chính quyền Trung Quốc để trình bày chi tiết lập trường của chúng tôi và làm rõ hành động của họ. Chúng tôi cũng sẽ tham gia cùng các đồng minh và đối tác quan trọng để đảm bảo phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết những hệ quả gây ra với thị trường chip do các hành động của Trung Quốc", Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ.

Động thái của Trung Quốc cũng khiến các nhà lập pháp chủ chốt và Nhà Trắng đưa ra những ngôn từ cứng rắn. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong cuộc họp báo hôm 23-5 cho rằng thông báo gần đây của Trung Quốc về Micron là "không dựa trên thực tế". Về phần mình, Nhà Trắng cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã "trao đổi trực tiếp" với Trung Quốc về Micron. Công ty Micron cho biết họ đã nắm được thông tin về lệnh cấm của Trung Quốc và đang xem xét các bước tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Mike Gallagher ngày 23-5 thậm chí còn lên tiếng thúc ép chính phủ Mỹ phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ông Gallagher tuyên bố mạnh mẽ: "Mỹ phải nói rõ với Trung Quốc rằng sẽ không dung thứ cho sự ép buộc kinh tế đối với các công ty hoặc đồng minh của mình". Ông Gallagher cũng kêu gọi Bộ Thương mại lập tức áp đặt các biện pháp kiềm chế thương mại đối với nhà sản xuất chip Trung Quốc Changxin Memory Technologies (CXMT), đảm bảo không có công nghệ nào của Mỹ được chuyển đến các công ty Trung Quốc khác hoạt động trong ngành này".

Cuộc chiến công nghệ chip leo thang

Micron, có trụ sở tại bang Idaho, Mỹ, là một trong 3 công ty hàng đầu trên thị trường chip nhớ DRAM toàn cầu, cùng với Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc. Hiện tại, khoảng 10% doanh thu của Micron đến từ Trung Quốc. Phần lớn sản phẩm của Micron bán tại Trung Quốc hiện được các doanh nghiệp nước ngoài mua để sử dụng cho hoạt động sản xuất ở nước này. Do đó, theo các nhà phân tích, tác động về mặt thương mại của cuộc kiểm tra đối với Micron sẽ không lớn bởi công ty này vốn đã bắt đầu cắt giảm hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Diễn biến mới nhất này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới công nghệ chip đang leo thang. Washington trước đó đã áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Mỹ cũng đã lập một "danh sách đen" các công ty sản xuất chip nhớ của Trung Quốc và cấm các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu công nghệ và dịch vụ cho những công ty nằm trong danh sách này nếu không có giấy phép.

Trong những năm gần đây, chính quyền Mỹ đã tìm cách ngăn chặn công nghệ chip tiên tiến của nước này xuất khẩu sang Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với khả năng bán sản phẩm của các công ty Mỹ ra nước ngoài. Washington cũng tìm cách thuyết phục các đồng minh hành động tương tự. Hà Lan và Nhật Bản, hai nhà sản xuất thiết bị công nghệ bán dẫn hàng đầu, cũng công bố những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu một số sản phẩm sang Trung Quốc.

AN BÌNH