Mỹ điều thêm 250 quân đến Syria
(Cadn.com.vn) - Quyết định tăng số lượng lớn binh sĩ đến Syria lần này cho thấy nỗ lực tiêu diệt nhóm cực đoan IS của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1-2017.
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định triển khai thêm 250 binh sĩ đến Syria, |
Ngày 25-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đã phê chuẩn kế hoạch triển khai thêm 250 binh sĩ đến Syria, trong đó có các đơn vị đặc nhiệm, nhằm hỗ trợ cho lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan IS cũng như tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của Washington ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng giải thích rõ về quyết định này trong bài phát biểu vào lúc 11 giờ 25 (giờ Đức) ở Hanover - trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày qua và cũng là nơi ông từng có cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc khủng hoảng Syria hôm 24-4. Trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng thống Obama tuyên bố, quyết định triển khai số lượng lớn binh sĩ lần này là rất cần thiết, nhằm giúp đẩy mạnh đà tiến của các lực lượng đặc nhiệm vốn hoạt động ở quốc gia Trung Đông, từ đó hất cẳng IS ra khỏi các khu vực chủ chốt mà nhóm này đang nắm giữ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, dù được triển khai đến tiền tuyến nhưng nhóm binh sĩ mới này sẽ không tham gia chiến đấu mà chỉ hỗ trợ trên mặt đất về mặt tình báo, y tế và hậu cần. “Họ sẽ không dẫn đầu trong cuộc chiến trên mặt đất, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đào tạo và hỗ trợ các lực lượng địa phương”, ông Obama tuyên bố. Trước đó, nói với các phóng viên ở Hanover, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes cũng khẳng định như vậy.
Giới quan sát cho biết, việc Mỹ bất ngờ tăng quân đến chiến trường Trung Đông này là nhằm tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống IS sau khi đã giành được những thành tích đáng kể. Quyết định này cũng cho thấy, Nhà Trắng đang ngày càng tự tin về khả năng giành lại những lãnh thổ từ tay IS. “IS đang bị đẩy ra khỏi các thành trì ở phía bắc và phía đông Syria. Chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến trình đó và tin rằng, việc điều thêm lực lượng đặc biệt của Mỹ có thể đóng vai trò rất quan trọng”, ông Rhodes nhấn mạnh. Liên minh các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - tập hợp các nhóm chống IS - hoan nghênh kế hoạch của Mỹ, đồng thời cũng hối thúc Washington hỗ trợ nhiều hơn nữa, trong đó cần cung cấp các tên lửa chống tăng dẫn đường.
Quyết định lần này của Tổng thống Obama được đưa ra chỉ khoảng 1 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố, hơn 200 binh sĩ Mỹ sẽ sớm đến Iraq, nơi các lực lượng địa phương cũng đang chiến đấu chống IS, với mục tiêu chủ chốt là giành lại thành trì Mosul. Việc này được đánh giá là khá bất ngờ. Bởi chỉ trước đó 1 ngày, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận, việc Mỹ, Anh hay bất kỳ quốc gia nào điều bộ binh sang Syria và lật đổ chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad là hoàn toàn “sai lầm”. Nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận không thể đánh bại hoàn toàn IS trước khi ông rời Nhà Trắng nhưng sẽ nỗ lực thu hẹp phạm vi hoạt động của nhóm khủng bố tàn bạo này.
Ngay khi lên nắm quyền vào năm 2008, ông Obama cam kết nỗ lực chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông lại tìm cách mở rộng vai trò của Mỹ và điều thêm quân để giúp đỡ các lực lượng tại các chiến trường ở Iraq, Syria và Afghanistan. Thực tế, dù phản đối việc đưa binh sĩ vào Syria, nơi cuộc nội chiến bùng phát từ năm 2001 giết chết ít nhất 260.000 người, Tổng thống Obama quyết định phái 50 quân thuộc lực lượng đặc biệt hoạt động đến quốc gia Trung Đông này vào năm 2015. Giới chức Mỹ mô tả lực lượng này chỉ là thực hiện nhiệm vụ “chống khủng bố” chứ không phải ủng hộ phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad.
Nhóm IS - dù bị mất nhiều khu vực lãnh thổ - nhưng vẫn đang kiểm soát các thành phố Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria. Chúng hiện đã vươn vòi ra ngoài Trung Đông trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với toàn thế giới sau khi nhận trách nhiệm tiến hành các vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris và Brussels.
Khả Anh