Mỹ gỡ rối Châu Á

Thứ sáu, 14/02/2014 10:43

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du lần thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Châu Á là nhắm mục tiêu vào... Trung Quốc và Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Hàn Quốc hôm 13-2, mở đầu chuyến công du Châu Á trong nhiệm vụ chủ yếu là giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp lãnh thổ cũng như tìm cách  tái khởi động cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong chuyến đi lần thứ 5 đến Châu Á kể từ khi trở thành thủ lĩnh ngành ngoại giao Mỹ, ông Kerry đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Mặc dù đây là chuyến công du thứ 5 của ông Kerry đến Châu Á nhưng ông vẫn bị chỉ trích là dành nhiều thời gian hơn cho những nỗ lực vì hòa bình Trung Đông chứ không phải là chính sách được ca tụng của Tổng thống Barack Obama: tái tập trung Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo AP, căng thẳng gia tăng ở Châu Á xung quanh những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông chính là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong hành trang đến lục địa này của Ngoại trưởng Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye
trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 13-2. Ảnh: AP

Vấn đề Triều Tiên

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Seoul, ông Kerry có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người ca ngợi quyết định đến thăm Nhà Xanh của Tổng thống Barack Obama vào tháng 4 tới.

Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng gần đây giữa hai đồng minh quan trọng của Washington tại Châu Á là Hàn-Nhật, và đặc biệt là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chuyến thăm đến Hàn Quốc của ông Kerry diễn ra chỉ một ngày sau khi Hàn-Triều đàm phán cấp cao sau 7 năm, song vẫn không đạt được thỏa thuận nào. Liên Triều dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vòng đàm phán cấp cao lần hai vào hôm nay (14-2), song dự đoán sẽ không thành công trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Mỹ-Hàn không tiến hành tập trận mà Triều Tiên vốn coi là hành động chiến tranh. Tuy nhiên, Seoul khẳng định vẫn sẽ diễn tập quân sự chung với Mỹ theo đúng kế hoạch.

“Thông điệp” hạt nhân Triều Tiên sẽ tiếp tục được ông Kerry mang đến Trung Quốc vào hôm nay (14-2). Mục tiêu của nhà ngoại giao Mỹ là nhằm tranh thủ sự ảnh hưởng lớn mạnh của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng với hy vọng chính quyền ông Kim Jong-Un sẽ “phi hạt nhân hóa” trên bán đảo Triều Tiên. Các quan chức Nhà Trắng tiết lộ, ông Kerry muốn kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên nhưng xem ra chính quyền Kim Jong-Un không mấy quan tâm, đặc biệt là sau cuộc thanh trừng gây chú ý gần đây ở nước này.

Biển Đông và Hoa Đông

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của ông Kerry là làm sao để chính quyền Bắc Kinh chấm dứt những tuyên bố chủ quyền vô lý và ngày càng quyết đoán ở các vùng biển Đông và Hoa Đông.

“Trung Quốc cần khôn ngoan hiểu rằng, những hành động đó chỉ càng phá hoại sự ổn định của khu vực”, một quan chức tháp tùng ông Kerry nói. Các nhà ngoại giao Mỹ trích dẫn loạt hành động của Trung Quốc  mà họ khẳng định gây ảnh hưởng đến những gì họ nói là lợi ích quốc gia của Mỹ trong tự do hàng hải và an toàn hàng hải tại biển Đông. Đó là việc hạn chế quyền đi vào một rạn san hô đang tranh chấp và áp đặt các quy định đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp.

Mỹ mới đây cảnh báo Trung Quốc không tuyên bố Vùng Xác định phòng không (ADIZ) trên biển Đông, hành động mà Bắc Kinh đã làm trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013. Nhà Trắng cũng kêu gọi chính quyền ông Tập Cận Bình và ASEAN nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC), vốn được coi là cơ sở pháp lý cho những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Giới phân tích cho biết, những hành động của Mỹ là nhằm cảnh báo Trung Quốc về bất kỳ nỗ lực tuyên bố chủ quyền vô lý nào về biển Đông.

Tại Indonesia, khi có cuộc hội đàm với Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh ở thủ đô Jakarta, ông Kerry tiếp tục thúc đẩy về COC. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến có bài phát biểu nêu bật tầm quan trọng của đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Sau Indonesia, ông Kerry sẽ đánh dấu kết thúc chuyến thăm 7 ngày đến Châu Á tại UAE.

Khả Anh