Mỹ hứng chỉ trích khi bắt đầu rút khỏi WHO

Thứ năm, 09/07/2020 11:54

Giới truyền thông Mỹ ngày 7-7 (8-7, giờ Việt Nam) đồng loạt đưa tin: chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện bước đi chính thức đầu tiên về việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bối cảnh các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19, vốn khiến gần 13 triệu người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 540.000 người trên toàn thế giới.

Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi WHO trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ và khắp thế giới.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump nói với CBS News rằng, sau những đe dọa hoãn khoản tài trợ 400 triệu USD hằng năm của Mỹ cho WHO và thông báo sẽ rút khỏi tổ chức này, chính quyền ông Trump gửi thông báo chính thức tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về việc rời đi. Dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có 1 năm để hoàn tất quá trình rút khỏi cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Điều này có nghĩa là ngày 6-7-2021, Mỹ chính thức không còn là thành viên của WHO nữa.

WHO ngày 7-7 cho biết đã nhận được các báo cáo về việc Mỹ chính thức thông báo với Tổng Thư ký LHQ quyết định rút khỏi WHO, nhưng không thông tin chi tiết về vấn đề này. Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã phản ứng với thông tin trên chỉ bằng một chữ trên Twitter là “Together!” (tạm dịch “Cùng nhau!”) trong khi dẫn một đường dẫn về một thảo luận của các chuyên gia y tế Mỹ về việc rút khỏi WHO có thể ảnh hưởng như thế nào tới khả năng chống các đại dịch trong tương lai.

Chính quyền ông Trump nhiều lần chỉ trích WHO, cáo buộc tổ chức này phớt lờ những dấu hiệu ban đầu về việc dịch Covid-19 lây từ người sang người ở Trung Quốc. Nhưng động thái lần này của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế cũng như giới chính trị trong nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ, ông Trump vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe Dân chủ. Các nghị sĩ của đảng này cáo buộc ông Trump đang tìm cách làm chệch hướng những chỉ trích về cách ông xử lý dịch Covid-19. “Việc làm này sẽ không bảo vệ cuộc sống hay lợi ích của người dân Mỹ mà chỉ khiến người Mỹ bị bệnh và đơn độc”, thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez tuyên bố.

Trong khi đó, đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump, ứng viên Tổng thống Joe Biden, cam kết sẽ đảm bảo nước Mỹ vẫn là thành viên của WHO nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Trên Twitter, vị cựu phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Người dân Mỹ sẽ an toàn hơn khi chúng ta góp sức vào việc tăng cường sức khỏe toàn cầu. Và trong ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”. Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ LHQ Elizabeth Cousens gọi việc chấm dứt mối quan hệ giữa Mỹ với WHO là “thiển cận, không cần thiết và rõ ràng là rất nguy hiểm”. “WHO là cơ quan duy nhất có khả năng lãnh đạo và điều phối phản ứng toàn cầu đối với Covid-19”, bà nói.

Trên thực tế, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do đại dịch. Hơn 40 tiểu bang ở nước này đang trải qua những đợt gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19, và các thống đốc của một số tiểu bang đã tạm dừng việc mở lại các nền kinh tế của họ. Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus hôm 7-7 cảnh báo, đại dịch đang “tăng tốc” và cho biết, cần sự phối hợp và đoàn kết của các nước trên toàn thế giới. Ông Ghebreyesus cũng cho biết, cơ quan y tế toàn cầu này đang cử các chuyên gia đến Trung Quốc để nghiên cứu, nhằm hiểu rõ hơn về cách virus gây bệnh Covid-19 truyền sang người.

KHẢ ANH