Mỹ - Iran đang chơi “ván bài mạo hiểm”

Thứ bảy, 05/08/2017 10:54

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang nhanh chóng trong tuần qua. Các tàu chiến của Iran và Mỹ vờn nhau ở Vịnh Persian. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho rằng, một tàu sân bay của Mỹ đã bắn cảnh cáo về phía một trong những chiếc tàu của Iran một cách “không chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bác bỏ.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc P5+1 đạt được vào tháng 7-2015, dưới thời Tổng thống Barack Obama.       Ảnh: AFP

Trong diễn biến căng thẳng mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật tăng cường trừng phạt bổ sung đối với cá nhân và Cty liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Quốc gia Hồi giáo thề đáp trả mạnh mẽ. Trước đó, nước này cũng khiếu nại lên HĐBA LHQ về những biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ, cho rằng, Washington vi phạm thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran và Nhóm P5+1.

Thỏa thuận hạt nhân nói trên, còn được gọi  là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran và 6 cường quốc trong đó có Mỹ ký kết năm 2015, dẫn đến việc dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy những hạn chế về chương trình hạt nhân của Tehran.

Nghịch lý từ Nhà Trắng

Các lực lượng được Washington và Tehran hậu thuẫn tiếp tục gây sức ép lên các cuộc chiến ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, từ Syria tới Yemen. Tuy nhiên, có một khu vực mà áp lực đã giảm bớt giữa Iran và phương Tây: chương trình hạt nhân của Tehran.

Cho đến nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã báo cáo 7 lần rằng, Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận. Các đối tác của Mỹ trong đàm phán gồm EU, Nga và Trung Quốc cũng đã khẳng định sự tuân thủ của Iran. Chính quyền của ông Trump cũng đã 2 lần xác nhận việc này. Nhưng lạ thay, ông Trump vẫn muốn từ bỏ thỏa thuận này - bất kể Iran có tiếp tục tuân thủ các điều khoản của JCPOA hay không. Ông đã miễn cưỡng chứng nhận sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân, và New York Times đưa tin, ông chủ Nhà Trắng đã nói với các cố vấn rằng, ông muốn tìm một lý do để từ bỏ thỏa thuận đa phương này.

Nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi nỗ lực này, chắc chắn sẽ làm gia tăng sự thù địch với Tehran. Nó có thể buộc giới lãnh đạo Iran phải tin rằng, vũ khí hạt nhân là điều thiết yếu cho sự sống còn của họ. Đây chính là tình huống mà Mỹ phải đối mặt với Triều Tiên, được đánh giá là “đang nắm giữ các con tin ở Đông Á” nhờ kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Bài học từ Triều Tiên

Sự tương đồng giữa phản ứng năm 2017 của ông Trump đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran của người tiền nhiệm Barack Obama và của ông George W. Bush đối với Khung thống nhất đã ký kết với Triều Tiên dưới thời Bill Clinton vào năm 2001 đều rất ấn tượng. Rồi như bây giờ, một tân tổng thống quyết định đưa ra một lộ trình mới trong chính sách đối ngoại để phân biệt mình với người tiền nhiệm.

Vào thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Bush tuyên bố có bằng chứng về chương trình làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên, điều này có thể vi phạm thỏa thuận này. Thay vì xây dựng một liên minh quốc tế để ép Bình Nhưỡng tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của Khung thống nhất, chính quyền ông Bush chọn từ bỏ con đường ngoại giao này. Đến năm 2005, khi nhận ra Bình Nhưỡng đã tiến gần hơn việc sản xuất vũ khí hạt nhân, ông Bush tìm cách đàm phán thỏa thuận giải trừ vũ khí toàn diện hơn - nhưng đã quá muộn. Có lẽ nhìn thấy những gì đã xảy ra với Tổng thống Saddam Hussein của Iraq, lãnh đạo ở Triều Tiên quyết tâm sản xuất vũ khí hạt nhân như một chính sách bảo hiểm cho sự sống còn của họ. Một năm sau, họ đã có vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên.

Nhưng Iran lại khác

Không như Triều Tiên vào năm 2001, không có nghi ngờ gì về việc Iran không tuân thủ các điều khoản của JCPOA. JCPOA yêu cầu cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đảm bảo, Iran không thể tham gia vào các hoạt động thiết kế và phát triển một thiết bị nổ hạt nhân và cấm Iran không theo đuổi vũ khí hạt nhân vĩnh viễn. Trong khi không có bất kỳ sai sót nào, câu hỏi được đặt ra cho ông Trump là: Các lựa chọn thay thế là gì?

Nếu không có thỏa thuận hạt nhân, Washington và các đồng minh sẽ ít có cơ hội tiếp cận và ít khả năng hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Chừng nào mà Iran vẫn tuân thủ các cam kết JCPOA, bất kỳ bước đi nào của Mỹ để làm suy yếu nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận sẽ được coi là “lừa đảo” cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ làm xói mòn khả năng đàm phán đáng tin cậy giữa các chính phủ Mỹ trong tương lai với các nước đồng minh hoặc các quốc gia thù địch vì lo sợ Washington có thể từ bỏ cam kết bất cứ khi nào một vị tổng thống mới chuyển đến Nhà Trắng.

Đây là một sự khác biệt hoàn toàn so với cách tiếp cận của Tổng thống Obama nhằm lôi kéo Iran ngồi vào bàn đàm phán song phương và đa phương, và có các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á trong thỏa thuận với Washington về các biện pháp trừng phạt và đàm phán. Châu Âu quan tâm nhiều hơn đến việc giữ vững lập trường của Iran, và thái độ của ông Trump có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nếu Iran có tính toán giống như Triều Tiên - rằng mục tiêu của Washington không phải là để hạn chế chương trình hạt nhân mà coi đó như là cái cớ để thay đổi chế độ - Tehran có thể xem vũ khí hạt nhân như một biện pháp bảo vệ họ, giống như Bình Nhưỡng đã làm một thập kỷ trước. Điều này có thể đưa chính quyền Trump vào thế nguy hiểm nếu xảy ra một cuộc chiến ở Trung Đông.

Tổng thống Trump thường nói, ông phản đối cuộc xâm lược Iraq - mặc dù một số tuyên bố trước cuộc bầu cử của ông lại khác. Tuy nhiên, ông đã gọi chiến tranh là “gây bất ổn cho Trung Đông”, và nói rằng Mỹ “nên ngừng việc lật đổ chế độ nước ngoài mà chúng ta không biết gì”. Ông Trump nên làm theo lời khuyên của chính mình. Trớ trêu thay, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể đi theo con đường tương tự như chính nhân vật mà ông thường chế giễu: George W. Bush – vị tổng thống đã quyết định đem quân xâm lược Iraq, đốt cháy một cuộc xung đột vô tận và xói mòn sự đứng đầu của Mỹ trên toàn cầu.

KHẢ ANH