Mỹ- Iran lại căng thẳng

Thứ hai, 21/09/2020 12:50

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19-9 tuyên bố khôi phục mọi lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran, động thái bị phần lớn quốc gia trên thế giới xem là “bất hợp pháp”. Theo các nhà phân tích, với bước đi này nhằm vào Tehran, Washington đang tự cô lập mình hơn nữa và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng quốc tế.

Lò phản ứng hạt nhân của Iran ở tỉnh Bushehr.

Washington tuyên bố động thái kích hoạt “tái áp đặt trừng phạt” theo một nghị quyết của HĐBA LHQ được quy định trong Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã có hiệu lực vào lúc 20 giờ ngày 19-9 nhằm khôi phục toàn bộ các biện pháp trừng phạt của LHQ trước năm 2015 đối với Iran. "Mỹ thực hiện động thái quyết đoán này vì ngoài việc Iran không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, HĐBA không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ nhằm vào Iran - vốn đã tồn tại trong suốt 13 năm qua", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp chống lại bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào không thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ. "Mỹ hy vọng mọi thành viên LHQ tuân thủ nghiêm nghĩa vụ thực hiện các biện pháp này. Nếu LHQ, các nước thành viên không tuân thủ nghĩa vụ triển khai các biện pháp trừng phạt này, Mỹ sẽ sử dụng thẩm quyền nội địa để áp hậu quả nhằm vào những bên không tuân thủ và đảm bảo rằng Iran không trục lợi từ những hoạt động bị LHQ cấm", Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo. Theo AP, Nhà Trắng lên kế hoạch ban hành sắc lệnh vào ngày 21-9 (giờ địa phương) để cung cấp thông tin chi tiết về việc Mỹ sẽ khôi phục lệnh trừng phạt như thế nào. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ sẽ soạn thảo các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp vi phạm.

Tehran hối thúc quốc tế phản đối

Tehran lập tức lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 19-9 khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran trong ý định đơn phương tại HĐBA LHQ, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên.

Trong bài phát biểu được phát trên kênh truyền hình quốc gia Iran, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh Mỹ đã đánh mất thẩm quyền đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015, khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Theo ông, bản thân các quan chức Mỹ cũng hiểu rõ những biện pháp trừng phạt là "vô ích", song vẫn buộc phải sử dụng chính sách theo kiểu "bắt nạt" này trong quan hệ quốc tế.

Washington "đối chọi" với cả thế giới?

Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ cấm Iran xuất khẩu vũ khí cũng như các nước bán vũ khí cho quốc gia này đã bước sang năm thứ 13. Bất chấp sự chỉ trích của Mỹ, HĐBA LHQ hồi tháng trước đã bỏ phiếu không gia hạn lệnh cấm vận này, vốn dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Dư luận cho rằng trong bối cảnh chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng thống Trump có thể công bố các biện pháp trừng phạt trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ vào ngày 22-9. Tuy nhiên, hành động kích hoạt cơ chế “tái áp đặt trừng phạt” của Washington hiện gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các thành viên khác của HĐBA, những quốc gia đã tuyên bố sẽ phớt lờ nước đi này. AFP nhận định động thái của Mỹ là "đơn phương" và giống như đang "đối chọi" với cả thế giới. Giới quan sát thì chỉ rõ Washington đang muốn sử dụng sức mạnh từ hệ thống tài chính và kinh tế để buộc các nước tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt của LHQ.

Các thành viên khác của HĐBA cho rằng, Washington không còn quyền kích hoạt cơ chế này từ năm 2018, khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt của quốc gia này vào Iran. Tuy nhiên, Washington lập luận họ vẫn còn quyền kích hoạt cơ chế trên, bởi họ là một thành viên ban đầu của thỏa thuận và là một thành viên của HĐBA.

Các nước nói gì?

Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia phản đối đặc biệt mạnh mẽ đối với lập luận của Mỹ. Thậm chí, các đồng minh Châu Âu của Mỹ cũng không do dự. Trong bức thư chung gửi chủ tịch HĐBA hôm 18-9, Anh-Pháp-Đức tuyên bố lập trường của Mỹ không có cơ sở pháp lý và quá trình kích hoạt cơ chế lùi không thể diễn ra. "Bất kỳ quyết định hoặc hành động nào được thực hiện với mục đích tái thiết các lệnh trừng phạt sẽ không có hiệu lực pháp lý", nhóm E3 gồm Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh trong một tuyên bố chung gởi HĐBA LHQ.

Theo các nhà phân tích, với bước đi này, Mỹ đang tự cô lập mình hơn nữa và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng quốc tế. Một nhà ngoại giao LHQ hôm qua nhận định, mọi chuyện sẽ đi theo hai chiều hướng. Một là sẽ không bất kỳ điều gì xảy ra, giống như khi bạn bóp cò nhưng chẳng có viên đạn nào được bắn đi. Hai là, nếu Mỹ thực sự kích hoạt hệ thống trừng phạt thứ cấp, thì mọi chuyện lại khác và căng thẳng có thể leo thang hơn nữa. Dù bất kỳ kịch bản nào xảy ra, rõ ràng hành động đơn phương của Mỹ đã càng làm nước này trở nên xa cách với chính các đồng minh.

AN BÌNH