Mỹ - Israel hàn gắn quan hệ đồng minh

Thứ ba, 10/11/2015 09:16

(Cadn.com.vn) - Israel đang nỗ lực tìm kiếm đảm bảo từ Mỹ về gói viện trợ quân sự tổng trị giá 50 tỷ USD cho thập kỷ tiếp theo.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9-11 đặt chân đến Mỹ, hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama nhằm thảo luận về các gói viện trợ quân sự cho Tel Aviv trong thập kỷ tiếp theo.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu mặt đối mặt trong cuộc gặp được định hình nhằm giúp cả hai vượt qua những bất đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ đồng minh tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu không hội đàm thượng đỉnh trong hơn 1 năm qua. Ảnh: AP

“SỬA CHỮA” TÌNH BẠN...

Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ đặt bút ký thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá 50 tỷ USD cho Tel Aviv nhằm ve vuốt quốc gia đồng minh quan trọng ở Trung Đông.

Theo AP, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi hiệp ước hiện tại hết hạn vào năm 2017, trong đó Israel mỗi năm nhận được hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ (Tel Aviv đề nghị về việc nâng viện trợ quân sự hàng năm lên mức 5 tỷ USD). Tel Aviv cũng đã gửi cho Washington danh sách các loại vũ khí mà họ hy vọng nhận được, gồm phi đội máy bay chiến đấu F-35, máy bay V-22 Osprey, máy bay tiếp dầu mới, vũ khí dẫn đường chính xác và các phương tiện để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới... nhằm đảm bảo lợi thế quân sự của Israel trước các quốc gia láng giềng, nhất là Iran.

Giới phân tích quân sự cho rằng, các loại vũ khí này phần nào phản ánh sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông cũng như tư duy quân sự của Israel. Trên thực tế, F-35 là máy bay duy nhất có thể đối phó với hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga mà Iran đang định mua. Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc thiếu khả năng boongke của Israel giới hạn khả năng của ông Netanyahu để khởi động cuộc tấn công đơn phương chống lại Iran.

Ngoài ra, quốc gia Do Thái cũng tìm cách để đảm bảo, các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực không có được F-35. Cho đến nay, Nhà Trắng từ chối yêu cầu mua F-35 của các quốc gia Vùng Vịnh Arab.

...TỪNG RẠN NỨT VÌ IRAN

Mối quan hệ Mỹ-Israel trở nên lạnh nhạt do những bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức), thỏa thuận mà Tel Aviv gọi là “sai lầm lịch sử”.

Thủ tướng Netanyahu vẫn xác định chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu với Israel và cho rằng, thỏa thuận này khiến Tehran “đang trong tầm với đến một quả bom hạt nhân”. Trong chuyến đi mới đây nhất đến Washington hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Israel không thành công trong nỗ lực vận động các nghị sĩ Mỹ phản đối thỏa thuận này, thậm chí còn có bài phát biểu gây tranh cãi trước Quốc hội lưỡng đảng theo lời mời của đảng Cộng hòa khiến Nhà Trắng giận dữ. Lúc đó, Thủ tướng Israel nhận thấy cánh cửa Nhà Trắng đóng sập lại trước mặt mình khi Tổng thống Obama từ chối gặp.

Cuộc gặp mặt lần này cũng bị “phủ bóng đen” bởi những tranh cãi sau quyết định bổ nhiệm người phát ngôn mới của Thủ tướng Netanyahu, ông Ran Baratz - nhân vật lên tiếng chế giễu ông Obama. Ông Baratz, nhà bình luận bảo thủ cho rằng, Tổng thống Mỹ là người “chống Do Thái”. Để xoa dịu Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ xem xét lại việc bổ nhiệm ông Baratz.

Dù ông Netanyahu tỏ ra rất lạc quan về khả năng đạt tiến triển trong các vấn đề khác, đặc biệt là thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào cuối năm 2016, nhưng giới quan sát cho rằng, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Khả Anh