Mỹ lại chọc giận Nga
(Cadn.com.vn) - Ngày 12-5, một hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Romania đã đi vào hoạt động, sự kiện được Washington chào đón là “bước tiến quan trọng”, nhưng khiến Moscow nổi giận.
Tên lửa SM-2 sẽ được triển khai tại hệ thống lá chắn của Mỹ tại Romania. Ảnh: AFP |
Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ, đặt tại Deveselu thuộc miền nam Romania, được “quảng cáo” sẽ giúp bảo vệ các thành viên NATO chống lại mối đe dọa của những tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, đặc biệt là từ Trung Đông.
Theo AP, Washington ngay lập tức hoan nghênh động thái này. “Hôm nay, Mỹ và Romania đã làm nên lịch sử”, Tư lệnh Mỹ tại Châu Âu và Châu Phi, Mark Ferguson, tuyên bố tại buổi lễ ra mắt hệ thống này. Ông Robert Bell, Đặc phái viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO cũng khẳng định, “giờ đây, chúng tôi có đủ năng lực để bảo vệ các thành viên NATO tại Châu Âu. Iran đang tăng cường năng lực và chúng ta phải sẵn sàng đối phó”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng có bài phát biểu tại sự kiện này, trong đó nhắm nỗ lực trấn an Nga khi thực tế cho thấy, hệ thống này được đặt bên trong một căn cứ do Liên Xô cũ xây dựng, cách thủ đô Bucharest khoảng 180km về phía tây nam. “Hệ thống này không có cách nào làm suy yếu hay nhằm mục đích răn đe hạt nhân chiến lược nhằm vào Nga. Hệ thống này ở Romania, cũng như ở Ba Lan, không nhằm chống lại Moscow”, ông Stoltenberg khẳng định.
Người đứng đầu liên minh quân sự này cũng cho biết, hệ thống đánh chặn này nằm quá xa về phía nam hoặc quá gần với Nga, để có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Moscow. Bản thân Tổng Thư ký NATO lưu ý, chính Moscow đơn phương chấm dứt đối thoại hợp tác về lá chắn tên lửa vào năm 2013. Mặc dù vậy, ông cho biết, NATO sẽ tiếp tục cố gắng để có thể nối lại đối thoại với Nga.
Các quan chức Mỹ cũng khẳng định, lá chắn tên lửa Romania chỉ nhằm ngăn chặn những mối đe dọa tên lửa từ Iran chứ không nhằm vào Nga. “Không, không có những kế hoạch chống lại Nga. Các hệ thống này nhằm đảm bảo năng lực phòng thủ mở rộng để chống lại mối đe dọa ở bên ngoài khu vực hoạt động Châu Âu-Đại Tây Dương”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định. Trong khi đó, Tổng thống Klaus Iohannis tuyên bố, Romania muốn NATO có một “sự hiện diện hải quân thường trực” ở biển Đen.
Bất chấp những tuyên bố trấn an này, Nga vẫn nhìn thấy hệ thống tên lửa này là mối đe dọa an ninh ngay trước cửa nhà. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Ngay từ đầu... chúng tôi tin rằng, việc triển khai hệ thống này thực sự là mối đe dọa với an ninh quốc gia của chúng tôi”. Điện Kremlin lâu nay vẫn cho rằng, Mỹ muốn triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa ở ngay sát sườn Nga vì muốn vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Moscow trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Đô đốc Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga khẳng định, các hệ thống này “thật sự là mối đe dọa cho Nga”. Ông Komoyedov, từng là Chỉ huy của Hạm đội Biển Đen của Nga khẳng định: “Họ (tức Mỹ và NATO) đang nỗ lực chống lại chúng ta, không chỉ chính xác 100% mà 200, 300, thậm chí 1.000%”. Ngoài việc lo ngại cho an ninh quốc gia, Moscow cũng khó chịu khi Mỹ rõ ràng đang tìm cách bao vây nước Nga và nỗ lực tiến đến khu vực thuộc tầm ảnh hưởng trước đây của Moscow.
Mỹ bắt đầu xây dựng hệ thống tên lửa ở Romania vào tháng 10-2013 với chi phí 800 triệu USD. Tên lửa SM-2 sẽ được triển khai tại hệ thống này và sẽ được tích hợp vào lá chắn tên lửa của NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối ở Warsaw, Ba Lan vào tháng 7 tới. Theo các nguồn tin, vào hôm nay (13-5), Mỹ cũng bắt đầu xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa thứ hai tại Ba Lan và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Khả Anh