“Mỹ Lai của Libya”

Thứ hai, 15/08/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã vấp phải sự kháng cự anh dũng và kiên cường của quân đội được nhân dân hậu thuẫn. Vì vậy, các tướng Mỹ đã bắt đầu theo đuổi một chính sách dã man: thảm sát những người dân bị cho là “thành trì” của quân đội chúng ta.

Ngày 16-3-1968, đại đội Charlie của Lục quân Mỹ đã xông vào khu vực thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, H. Sơn Tịnh của tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu một vụ thảm sát lịch sử lúc 7 giờ 30 với sự giúp đỡ của máy bay trực thăng. Họ bắn vào cả những dân thường vô tội đang làm đồng và thậm chí cho nổ tung cả cánh đồng lúa. Sau đó, “những tên khát máu” bắt đầu xả súng vào các “địa điểm tình nghi có đối phương”, hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm... Họ bị giết bằng các loạt súng, bằng lưỡi lê hoặc bằng lựu đạn với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao.

Đài BBC mô tả lại cảnh này: “Binh lính Mỹ bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh”. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Đến cuối buổi sáng, lệnh ngừng bắn được đưa ra nhưng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người la liệt khắp nơi. Tất cả 504 người đã chết. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Việt Nam, Mỹ và cả thế giới, tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc biểu tình phản chiến.


Hình ảnh tang thương ở Mỹ Lai năm 1968 (ảnh trên) và ở Majer năm 2011.
Ảnh: Wikipedia/Getty Images 

Và hiện nay, trong cuộc chiến ở Libya, Mỹ và NATO cũng đối mặt sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng quân đội Libya được sự hỗ trợ của người dân địa phương. Các binh sĩ nước ngoài được hình thành từ lính đánh thuê, Lực lượng đặc biệt của NATO và Đội lính Lê dương của Pháp với ưu thế áp đảo trong các cuộc không kích và tấn công bằng bom đẫm máu vẫn không thể khiến chính quyền và nhân dân Libya hạ vũ khí và đầu hàng.

Và một lần nữa những kẻ gây chiến lại đang cố gắng nhằm vào điểm yếu của đối phương khi phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng dân sự cũng như hệ thống cung cấp ánh sáng, thực phẩm, nước và quần áo của người dân Libya. Họ cố gắng phá hoại những nơi vui chơi giải trí, học tập của người dân và thậm chí ném bom giết hại dân thường, phụ nữ, người già và trẻ em. Những điều đó hoàn toàn đi ngược lại với nghị quyết của HĐBA LHQ là cho phép can thiệp quân sự ở Libya “để bảo vệ dân thường”.

Đêm 8-8, toàn bộ ngôi làng Majer ở vùng ngoại ô thành phố Zliten đã bị bom NATO phá  hủy hoàn toàn. Ngôi làng này là lực lượng tiên phong trong phong trào chống lại “những kẻ xâm lược” TNC (Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya của phe nổi dậy). Máy bay ném bom NATO bắn phá dữ dội ngôi làng này vào lúc 23 giờ và tiếp tục bắn phá trở lại một vài giờ sau đó khi mọi người đã đi ngủ, gây bất ngờ cho người dân. Phát ngôn viên chính phủ Libya, Mussa Ibrahim cho biết, 33 trẻ em, 32 phụ nữ và 20 đàn ông thuộc 12 gia đình đã bị giết hại trong “vụ thảm sát” này. Hàng chục người khác bị thương nặng. Đài truyền hình Libya phát đi hình ảnh thi thể cháy đen của ít nhất 3 em bé, những hình ảnh phụ nữ và trẻ em bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện. Chính phủ Libya tuyên bố dành 3 ngày quốc tang cho 85 nạn nhân.

Ngôi làng Majer đã trở thành “Mỹ Lai của Libya”.

Thanh Văn