Mỹ Latinh nắm bắt thời điểm Trung Quốc bùng nổ

Thứ ba, 10/02/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Ngoài việc giúp xây dựng kênh đào Panama và giúp Peru tiêu diệt nhóm phiến quân Con đường Sáng, sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh là không đáng kể cho đến đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Bắc Kinh nhanh chóng đầu tư vào Mỹ Latinh.

Những lô hàng đồng lớn rời cảng Valparaiso của Chile đến Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Có lợi cho cả hai

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại số một đối với các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Các ngân hàng phát triển của Trung Quốc đổ tiền vào khu vực này nhiều hơn so với Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ. Khi kinh tế phát triển, Trung Quốc mua dầu từ Venezuela, Ecuador và Mexico để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa các sản phẩm điện tử tiêu dùng của thế giới, được sản xuất từ nguồn đồng của Chile và Peru. Trung Quốc đầu tư vào các mỏ quặng sắt của Brazil. Trung Quốc nhập khẩu nhiều đậu nành từ Argentina và Brazil để chăn nuôi gia súc. Đổi lại, các công ty Trung Quốc, được hỗ trợ bởi nguồn tiền từ các ngân hàng phát triển nhà nước, đổ xô đến Châu Mỹ đầu tư vào các mặt hàng này.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ Latinh là một vị cứu tinh đối với Châu Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ Latinh thu lợi rất lớn từ sự bùng nổ của Trung Quốc, và đang phát triển với tốc độ 3,6%/năm trong giai đoạn 2003-2013. Điều này hoàn toàn trái ngược với hai thập kỷ trước đây, vốn bị chi phối bởi chương trình cải cách “Đồng thuận Washington” - vốn cho rằng chính sách kinh tế chính thống, mở cửa hoàn toàn thị trường, và giảm thiểu vai trò của nhà nước là cách tốt nhất cho các nước đang phát triển. Với chính sách “Đồng thuận Washington”, tăng trưởng chậm, dưới mức 2,4%.

Điểm đến mới

Sau vụ tấn công 11-9 và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, Washington quay sang khu vực khác. Vì vậy, Mỹ Latinh nhanh chóng trở thành khu vực vô cùng chiến lược đối với Trung Quốc – là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cần thiết để phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của đất nước hơn một tỷ người.

Đó là lý do tại sao hồi tháng trước, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc- Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribbean (Celac). Cùng với một loạt các thỏa thuận hợp tác, Trung Quốc cam kết tăng cường thương mại với Mỹ Latinh lên 500 tỷ USD và đầu tư lên tới 250 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Trung Quốc cũng cam kết các khoản vay trị giá 20 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc - Mỹ Latinh và lập Quỹ Hợp tác Trung Quốc-Celac 5 tỷ USD. Hợp tác thương mại và đầu tư là một điều cần thiết và đáng hoan nghênh tại khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng chậm trong vài năm tới.

Những thách thức mới

Thương mại và đầu tư hàng hóa của Trung Quốc khiến giá cả và tỷ giá hối đoái tăng vọt trong khu vực và đưa ngành công nghiệp sản xuất Mỹ Latinh trở nên kém cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Dệt may, chế tạo xe hơi, điện tử và các công ty khác từ Brazil và Mexico bị mất thị phần đáng kể trên thị trường thế giới và khu vực, và không thu hút được đầu tư.

Hơn nữa, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Mỹ Latinh gắn liền với suy thoái môi trường và xung đột xã hội. Hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí và nông nghiệp quy mô lớn đi đôi với nạn chặt phá rừng và ô nhiễm nguồn nước. Gần đây đã xuất hiện các chiến dịch vận động toàn cầu sau khi Trung Quốc tiến hành thăm dò dầu ở khu vực rừng Amazon thuộc Ecuador và đập thủy điện gần khu dự trữ sinh quyển ở Honduras.

Chính phủ các nước Mỹ Latinh cần nắm bắt vận may của mình và tái đầu tư vào các ngành công nghiệp, vào con người, và vào việc bảo vệ môi trường. Các nước Mỹ Latin cần đưa ra các chính sách thích hợp tại chỗ, nếu không khu vực này sẽ mất đi cơ hội tăng trưởng.

An Bình
(Theo BBC)