Mỹ-LHQ sau cuộc bỏ phiếu về Jerusalem
Trong một động thái cho thấy sự phản đối mạnh mẽ nhất nhằm vào chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua với số phiếu áp đảo lên án quyết định “thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel” của ông chủ Nhà Trắng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley giơ tay phủ quyết dự thảo nghị quyết do Ai Cập đệ trình về vấn đề Jerusalem tại cuộc họp HĐBA LHQ hôm 18-12. Ảnh: AP |
Bất chấp các đe dọa của Mỹ về việc sẽ trừng phạt các quốc gia bỏ phiếu chống lại lập trường của Washington, Đại hội đồng LHQ ngày 21-12 (giờ Mỹ) vẫn nhất quyết bỏ phiếu kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel.
Lời cảnh báo của Mỹ...
Trước thềm bỏ phiếu, cả Tổng thống Trump và Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đều cảnh báo các nước “không nên chống lại Washington”.
Tổng thống Trump khẳng định, ông có thể cắt viện trợ các nước đã bỏ phiếu cho nghị quyết này. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 20-12, Tổng thống Trump nêu rõ: “Họ cầm hàng trăm triệu USD và thậm chí hàng tỷ USD, và sau đó họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo dõi những lá phiếu đó. Hãy để cho họ bỏ phiếu chống chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Chúng tôi không quan tâm”.
Trong khi đó, Đại sứ Haley cảnh báo, Washington sẽ “điểm danh” các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên. “Tại LHQ, chúng tôi luôn bị đòi hỏi phải làm nhiều hơn nữa, cho đi nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã đưa ra một quyết định theo nguyện vọng của người dân Mỹ (quyết định Jerusalem)... chúng tôi không nghĩ những quốc gia mà chúng tôi đã giúp đỡ lại chống lại chúng tôi”, bà Haley viết trên Twitter. Bà Haley còn nhấn mạnh, dù kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng như thế nào cũng không làm thay đổi quyết định của Washington. Thay vào đó, kết quả này sẽ tác động đến cách Mỹ nhìn nhận LHQ cũng như những quốc gia không tôn trọng Washington.
...bị phớt lờ
Mỹ là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết trong HĐBA nhưng lại không có quyền như vậy trong Đại hội đồng LHQ. Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của HĐBA, nhưng cũng mang sức nặng chính trị nhất định.
Đại hội đồng LHQ, gồm 193 thành viên, tổ chức phiên họp khẩn bất thường vào ngày 21-12 (giờ Mỹ), theo yêu cầu của các nước Arab và Hồi giáo, để biểu quyết về nghị quyết trên. Theo một nghị quyết năm 1950, Đại hội đồng có thể triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp để xem xét một vấn đề “với quan điểm là đưa ra những kiến nghị thỏa đáng để các thành viên áp dụng biện pháp tập thể” nếu như HĐBA không làm được điều này. Cho đến nay mới chỉ có 10 phiên họp như vậy được triệu tập, và lần gần đây nhất là vào năm 2009 để bàn về Đông Jerusalem và các lãnh thổ của Palestine. Cuộc họp lần này diễn ra sau khi Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết do Ai Cập đệ trình về vấn đề Jerusalem - trong đó cho rằng bất cứ quyết định nào về tình trạng của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải được thu hồi - tại cuộc bỏ phiếu của HĐBA hôm 18-12.
Và như dự đoán, nghị quyết được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Số phiếu áp đảo này rõ ràng cho thấy sự phản đối mạnh mẽ nhất nhằm vào chính quyền của Tổng thống Trump.
Sẽ đi về đâu?
Không rõ liệu Tổng thống Trump có trả đũa các nước bỏ phiếu chống lại Washington như những cảnh báo trên hay không.
Giới quan sát cho rằng, có khả năng cao là ông chủ Nhà Trắng sẽ không làm như vậy vì việc này có thể làm Mỹ mất đi các đồng minh quan trọng và giảm khả năng gây ảnh hưởng của Washington đối với các sự kiện ở LHQ, vốn có xu hướng ủng hộ những ưu tiên của cường quốc số 1 thế giới này. Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất này, nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh Arab quan trọng của Mỹ như Ai Cập, Iraq và Jordan - đã bác bỏ và chỉ trích gay gắt quyết định Jerusalem của ông Trump. Các đồng minh quan trọng khác của Mỹ như Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết và khẳng định, các nghị quyết của HĐBA LHQ trước đây về Jerusalem có từ năm 1967 vẫn còn hiệu lực.
Nhưng dù không có hành động trả đũa, cuộc bỏ phiếu trên cũng đẩy quan hệ Mỹ với LHQ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
KHẢ ANH