Mỹ muốn củng cố niềm tin với châu Phi
Với sự tham dự của các đại diện đến từ khoảng 50 nước châu Phi, Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất tại Washington kể từ sau đại dịch Covid-19. Sự kiện kéo dài ba ngày (từ 13 đến 15-12) quy tụ các nhà lãnh đạo từ 49 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) tham dự các cuộc đàm phán cấp cao.
Theo nhận định của giới quan sát, các cam kết của Mỹ đối với châu Phi khá khiêm tốn những năm gần đây. Do đó, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington sẽ vực dậy niềm tin giữa hai bên, góp phần khôi phục vị thế của Mỹ tại châu lục này. Trong thông báo chính thức ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hội nghị này sẽ chứng minh cam kết lâu dài của Mỹ với châu Phi, và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với châu lục này, cũng như tăng cường hợp tác về những ưu tiên chung trên toàn cầu.
Nhà Trắng nhấn mạnh, dựa trên các giá trị chung, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy an ninh và hòa bình, ứng phó khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng an ninh lương lực, tăng cường sức khỏe khu vực và toàn cầu, giảm thiểu tác động của Covid-19 và các đại dịch trong tương lai…
Về phía các nước châu Phi, ưu tiên hàng đầu tại cuộc gặp lần này là tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế và nguồn lực nhằm đối phó các vấn đề cấp bách tại khu vực như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Motaz Zahran cho biết, Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi dự kiến sẽ triển khai các kết quả của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) bằng cách thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi cũng tìm kiếm sự hợp tác nhằm tăng cường an ninh để chống khủng bố, trong bối cảnh một số nhóm khủng bố vẫn tồn tại ở một số quốc gia châu Phi và ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Giới chức Nhà Trắng tiết lộ việc Tổng thống Joe Biden dự kiến tuyên bố ủng hộ bổ sung AU làm thành viên thường trực Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm trao cơ hội cho các quốc gia ở châu lục này tham gia sâu hơn vào nhiều vấn đề chung của toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi cũng dự kiến công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi.
Mỹ chi mạnh cho châu Phi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nêu bật về dân số trẻ của Châu Phi - phản ánh nhân khẩu học chắc chắn sẽ khiến "Lục địa Đen" trở thành một nhân tố toàn cầu quan trọng trong những thập niên tới. Phó Tổng thống Harris cũng thông báo rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng Sáng kiến Lãnh đạo trẻ châu Phi. Bên cạnh đó, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ đang làm việc về các biên bản ghi nhớ mới, được kỳ vọng sẽ dọn đường cho 1 tỷ USD tài trợ thương mại ở Châu Phi.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan vào ngày 12-12 thông báo Mỹ cam kết chi 55 tỷ USD tại châu Phi trong 3 năm tới để hỗ trợ châu Phi giải quyết những thách thức liên quan tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế và an ninh.
Tầm quan trọng của Châu Phi
Trong thông báo chính thức ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hội nghị này sẽ chứng minh cam kết lâu dài của Mỹ với châu Phi, và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với châu lục này, cũng như tăng cường hợp tác về những ưu tiên chung trên toàn cầu.
Theo Viện Brookings, châu Phi đang có dân số tăng trưởng nhanh chóng, là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, có tài nguyên phong phú, và cả một số lượng phiếu lớn ở Liên Hiệp Quốc. Vì thế truyền thông Mỹ nhấn mạnh mục tiêu cạnh tranh địa chính trị của Mỹ tại châu lục này trong bối cảnh Washington bị cho là đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ.
AN BÌNH