Mỹ - Nga với “cuộc chiến” Hiệp ước INF

Thứ hai, 22/10/2018 12:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, cho rằng Moscow đang vi phạm hiệp ước này. Tuy nhiên, Nga phản bác, cho rằng, động thái này của Washington sẽ là cú giáng mạnh vào hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.

Nga đã vi phạm thỏa thuận. Họ đã vi phạm nó trong nhiều năm”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trước khi lên máy bay rời Nevada sau một cuộc vận động. “Và tôi không biết tại sao Tổng thống Obama không thương thảo hay rút lui... Chúng tôi là những người đã duy trì thỏa thuận và chúng tôi đã tôn trọng thỏa thuận. Nhưng Nga thì không. Vì vậy, chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận. Chúng tôi sẽ rút khỏi”, ông Trump nói về thỏa thuận, được ký kết vào tháng 12-1987 giữ cựu Tổng thống Ronald Reagan và cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải, ngồi) ký hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: BBC

Tại Mỹ rút khỏi INF?

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước và những người tiền nhiệm như cựu Tổng thống Obama cũng từng cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.

Năm 2014, CNN cho biết Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF, dẫn bằng chứng một vụ thử tên lửa hành trình hồi năm 2008. Theo CNN, vào thời điểm đó, Mỹ đã thông báo cho các đồng minh NATO về sự vi phạm của Nga. Tuy nhiên, cho đến gần đây, NATO mới chính thức xác nhận hoạt động của Nga là hành vi vi phạm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tháng này cho biết, liên minh quân sự vẫn lo ngại về “sự thiếu tôn trọng” của Nga đối với các cam kết quốc tế, bao gồm Hiệp ước INF. Phát biểu tại một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng, ông Stoltenberg cho biết: “Hiệp ước này bãi bỏ toàn bộ các loại vũ khí và là một yếu tố quan trọng trong an ninh của chúng tôi”. “Bây giờ hiệp ước này đang gặp nguy hiểm vì những hành động của Nga”. Ông tiếp tục: “Sau nhiều năm từ chối, Nga gần đây đã thừa nhận sự tồn tại của một hệ thống tên lửa mới, được gọi là 9M729. Nga đã không cung cấp bất kỳ câu trả lời đáng tin cậy nào về tên lửa mới này. Tất cả các đồng minh đều đồng ý rằng Nga đang vi phạm do đó Nga cần khẩn cấp giải quyết những mối quan ngại này một cách đáng kể và minh bạch”.

Nga bác bỏ

Tuy nhiên, Nga cho rằng, Mỹ không có bằng chứng để chứng minh cáo buộc họ vi phạm INF. Đài Sputnik ngày 21-10 dẫn lời ông Klintsevich, một thành viên của ủy ban quốc phòng Thượng viện Nga nhấn mạnh: “Quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi INF không làm chúng tôi ngạc nhiên nhưng chúng tôi hy vọng rằng nhận thức chung sẽ thắng thế. Rõ ràng Mỹ không có bằng chứng chứng minh Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước này”. Nghị sĩ Nga chỉ ra rằng, quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF là không phù hợp với lợi ích của các đồng minh Châu Âu. Ông Klintsevich nêu rõ: “Mỹ muốn lôi kéo chúng ta... vào một cuộc chạy đua vũ trang. Mỹ sẽ không thành công. Tôi chắc chắn rằng đất nước của chúng ta sẽ đảm bảo tốt an ninh của mình trong mọi trường hợp”.

Các hãng thông tấn nhà nước của Nga dẫn lời một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết, động thái của Mỹ với Nga được thúc đẩy từ giấc mơ về một siêu cường quốc toàn cầu duy nhất. “Động cơ chính là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Liệu điều này có thành sự thực? Không bao giờ”, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời quan chức này cho biết.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter rằng, việc Washington rút khỏi Hiệp ước INF là “giáng một đòn mạnh thứ hai chống lại toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới”, với đòn mạnh đầu tiên là vào năm 2001 khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Theo ông Pushkov, “một lần nữa kẻ khởi xướng hủy bỏ thỏa thuận lại là Mỹ”.

Nhiều lo ngại

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500km tới 5.500km). Điều này tạo ra một tấm chăn bảo vệ các đồng minh Châu Âu của Mỹ và đánh dấu một thỏa thuận giữa hai quốc gia ở trung tâm của cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.

John Kirby, một nhà phân tích quân sự và ngoại giao của CNN, giải thích rằng hiệp ước “không được đưa ra để giải quyết tất cả các vấn đề của Mỹ với Liên Xô”, nhưng có thể tạo ra một số biện pháp ổn định chiến lược trên lục địa Châu Âu”. “Tôi cho rằng các đồng minh Châu Âu của chúng tôi ngay bây giờ sẽ không vui khi nghe rằng Tổng thống Trump có ý định rút khỏi nó”, ông Kirby nhận định. Theo giới phân tích, việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước INF có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trên khắp Châu Âu tương tự như cuộc chạy đua đã xảy ra khi thỏa thuận ban đầu được ký kết vào những năm 1980. “Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, tôi phải đi xây dựng một hầm trú ẩn ở sân sau của mình”, ông Kirby nói.

AN BÌNH