Mỹ, Nhật, Hàn tìm cách đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
(Cadn.com.vn) - Hàn, Mỹ, Nhật ngày 13-2 đã yêu cầu HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận biện pháp đối phó với sự khiêu khích sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Một người phát ngôn của phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp quốc nêu rõ: "Mỹ, cùng với Nhật và Hàn, đã yêu cầu hội đàm khẩn cấp về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm12-2". Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm "phản ứng" thông qua HĐBA, nhằm trừng phạt Bình nhưỡng sau động thái khiêu khích này. Các phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn, Mỹ và Nhật cũng đã hội đàm qua điện thoại ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích và tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ để đưa ra các biện pháp đối phó.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa Pukguksong-2 qua ống nhòm. Ảnh: Yonhap |
Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa thành công
Hãng tin KCNA của Triều Tiên ngày 13-2 cho biết quân đội nước này đã phóng thử thành công Pukguksong-2, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn, và động cơ lực đẩy cao mới được phát triển trong nước, giúp nó có năng lượng lớn hơn, bay được xa hơn. KCNA khẳng định, tên lửa được phóng đi ở tọa độ được coi là an toàn đối với các nước láng giềng. Theo KCNA, lãnh đạo Kim Jong-un chứng kiến vụ phóng và nhấn mạnh với Pukguksong-2, Bình Nhưỡng hiện có phương tiện để sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngay sau đó, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố đoạn phim phóng tên lửa đạn đạo. Đoạn phim cho thấy rằng tên lửa được phóng đi ở một góc gần như thẳng đứng và thay đổi hướng trong khi bay.
Quân đội Hàn Quốc trước đó cho biết, tên lửa này đã bay cao khoảng 550km và bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Còn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là tên lửa tầm trung, chứ không phải một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Bình Nhưỡng đã tuyên bố có thể thử nghiệm bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, Yonhap dẫn nguồn thạo tin nói rằng, tên lửa này có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn.
Sau khi tiến hành phân tích vụ phóng tên lửa trước đó 1 ngày, quân đội Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên dường như đã ứng dụng công nghệ sử dụng trong tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để phát triển loại tên lửa tầm trung mới.
Hàn Quốc dọa phóng tên lửa đáp trả
Tại cuộc họp của Quốc hội ngày 13-2, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết, vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên được xem là một tín hiệu cho nhiều hành động khiêu khích sắp tới, đồng thời cho biết chính phủ đang theo dõi chặt chẽ những động thái đang diễn ra trên và xung quanh bán đảo.
Seoul cũng đang xem xét phóng một tên lửa đạn đạo, đáp lại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. "Chúng tôi đang xem xét các biện pháp để làm dịu các mối lo ngại an ninh và chứng tỏ quyết tâm trả đũa bất kỳ hành động gây hấn nào của Triều Tiên", một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Theo đó, quân đội đang xem xét việc phóng tên lửa loại Hyunmoo-2A có tầm bắn hơn 300 km hay loại Hyunmoo-2B có tầm bắn trên 500 km, rồi công bố ảnh hay băng hình về vụ phóng. Theo quan chức trên, quân đội sẽ công bố cảnh phóng loại tên lửa có tầm bắn lên tới 800 km và hiện đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng.
Tên lửa có thể vươn tới Mỹ?
Theo Trung tướng về hưu Mark Hertling, vụ phóng hôm 12-2 sẽ giúp Triều Tiên cải tiến công nghệ tên lửa, và phát triển một ICBM. Đó là mục tiêu của các chính trị gia của Bắc Triều Tiên. Tên lửa đạn đạo được phóng này là nguy hiểm. Nó có phạm vi lớn hơn so với một số tên lửa Musudan đã phóng trước đó. Không chỉ Mỹ mà nhiều nước Châu Á cũng quan ngại tên lửa có thể vươn tới đại lục. Nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên còn rất lâu mới có thể đặt một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, song các chỉ huy Mỹ cho rằng, Washington cần chuẩn bị cho khả năng này.
An Bình
(Theo Yonhap, CNN)