Mỹ-Nhật và sức mạnh liên minh

Thứ sáu, 30/05/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật leo thang, vấn đề ít được nói đến khi bàn về lĩnh vực an ninh Châu Á là liên minh Mỹ - Nhật. Nhà Trắng lo ngại bị rơi vào bẫy, trong khi Tokyo lo sợ bị bỏ rơi đang là trở ngại mới đối với quan hệ hai nước. Làm thế nào Washington và Tokyo vượt qua tình trạng khó xử này để tăng cường sức mạnh liên minh?

Trước chuyến đi của Tổng thống Obama đến Nhật hồi tháng trước, Tokyo vận động tích cực để có được tuyên bố rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Mặc dù lưỡng lự trước cam kết như vậy, ông chủ Nhà Trắng thể hiện rõ trong tuyên bố chung với Thủ tướng Shinzo Abe rằng, Điều 5 của Liên minh Mỹ - Nhật đã bao gồm các lãnh thổ tranh chấp. Điều này kết thúc tạm thời các tranh luận Trung - Nhật về việc ai sẽ gây ảnh hưởng đến vị trí của Mỹ liên quan đến các đảo.

Vài tuần trước chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel: “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cảnh giác chống lại hành động của Nhật và giới hạn hỗ trợ”. Rõ ràng, nỗ lực “chia rẽ” của Trung Quốc thất bại. Dù vậy, trò chơi vẫn tiếp tục.

Mỹ - Nhật cần trao đổi thẳng thắn để tăng cường sức mạnh liên minh. Ảnh: Reuters

Rơi vào bẫy - bị bỏ rơi

Mỹ-Nhật phải đối mặt với một tình thế khó xử, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách làm suy yếu liên minh.

Phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ các vụ xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Tokyo lo sợ sẽ bị Washington bỏ rơi trong những lúc nguy cấp. Ngược lại, Nhà Trắng lo sợ rơi vào “cái bẫy” của Nhật khi “bị lôi kéo vào một cuộc xung đột về quyền lợi của đồng minh, nhưng không được chia sẻ hoặc hưởng một quyền lợi gì”.

Về phần mình, Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao sự sợ hãi của Mỹ. Lý thuyết liên minh cho thấy sự phát triển của nỗi lo sợ của cả Tokyo và Washington là hoàn toàn hợp lý. Những đòn bẩy trong quá khứ vốn thúc đẩy mối quan hệ của hai cường quốc này không còn nữa.

Dù cả hai đều chia sẻ lợi ích kinh tế đáng kể trong việc duy trì mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh, nhưng lợi ích đôi khi bất đồng. Điều này thể hiện trong các cuộc thăm dò ở hai quốc gia: hơn 90% người Nhật có quan điểm bất lợi cho Trung Quốc, trong khi công chúng Mỹ coi Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất ở Châu Á.

Lịch sử chứng minh, ý kiến người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định của một nước. Những hành động mà Tokyo tiến hành gần đây, bất chấp sự phản đối của Mỹ, chẳng hạn như quốc hữu hóa quần đảo Senkaku và chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni, cũng làm suy yếu niềm tin của Nhà Trắng.

Cả hai phải làm gì?

Phải đối mặt với tình trạng khó xử mới này, mỗi bên cần tích cực làm giảm bớt những lo ngại của nhau.

Sự tham gia ngày càng tích cực của Nhật trong liên minh, xuất phát từ nỗi lo sợ Trung Quốc và lo ngại bị bỏ rơi, có thể được khắc phục thông qua các cuộc đàm phán với Mỹ. Trong khi đó, Washington cũng nên tiếp tục trấn an quốc gia đồng minh bằng cách nhắc lại cam kết, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật hiện nay.

Theo ý nghĩa này, tuyên bố rõ ràng của ông Obama nên được Tokyo chào đón nồng nhiệt. Nhà Trắng cũng cần hoan nghênh sự tăng cường khả năng tự vệ của Tokyo, chứ không chỉ hỗ trợ. Một Nhật Bản có khả năng chiến đấu, kết hợp với khả năng phòng vệ, có thể tăng cường sức mạnh liên minh và tạo sức mạnh răn đe.

Chẳng hạn, Triều Tiên có thể bớt hung hăng hơn nếu Nhật có thể đáp trả một cách độc lập. Dù vậy, Tokyo vẫn sẽ phụ thuộc vào các hệ thống vệ tinh của Washington để nhắm mục tiêu các căn cứ kẻ thù.

Ngoài ra, cả hai bên cần thúc đẩy các cuộc thảo luận để phát triển các tiềm năng có thể làm cho liên minh mạnh mẽ hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.

An Bình
(Theo Diplomat)