Mỹ nỗ lực kiến tạo hòa bình Trung Đông

Thứ năm, 04/05/2017 08:49

(Cadn.com.vn) - Sự không tin tưởng và mối hằn thù giữa người Palestine và Israel là rào cản lớn cho Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình cho Trung Đông.

Xung đột giữa người Palestine và Israel kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: AFP

Cuộc họp thượng đỉnh ngày 3-5 tại Nhà Trắng đánh dấu lần gặp nhau đầu tiên giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Mỹ Donald Trump với nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang bế tắc.

Tại cuộc họp này, Tổng thống Trump đóng vai trò “người kiến tạo hòa bình”, nỗ lực kéo Palestine - Israel ngồi vào bàn đàm phán, từng bước chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng tiếp đón nhà lãnh đạo Palestine, sau khi có cuộc gặp nồng ấm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tháng 2. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Trump là thiết lập hòa bình trong khu vực - những nỗ lực vốn đã thất bại qua các đời tổng thống Mỹ từ những năm 1970.

Đối với Tổng thống Abbas, cuộc gặp với ông Trump lần này còn được xem là nhằm giúp ông lấy lại uy tín ở trong nước. Trên thực tế, Tổng thống Abbas có chuyến đi đến Washington trong bối cảnh đang đối mặt nhiều thách thức khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, hầu hết người Palestine muốn nhà lãnh đạo 82 tuổi này từ chức. Nhiệm kỳ của ông Abbas đã hết hạn vào năm 2009, nhưng ông vẫn tiếp tục nắm quyền và không có cuộc bầu cử nào được tổ chức.

Ông Abbas hy vọng người đồng cấp Mỹ có thể gây áp lực để Israel nhượng bộ, động thái mà ông tin là cần thiết để cứu vãn một giải pháp hai nhà nước cho một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất thế giới. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với nhà lãnh đạo Palestine trong chuyến thăm Mỹ lần này là rất lớn khi lập trường của Tổng thống Trump trong vấn đề này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Ông Trump từng tuyên bố từ bỏ sự ủng hộ của Mỹ cho một nhà nước Palestine và thề sẽ dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, phá vỡ chính sách hai nhà nước của Mỹ trong nhiều thập kỷ.  Trước thềm cuộc gặp quan trọng này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Tổng thống Trump đang “xem xét nghiêm túc” việc chuyển đại sứ quán này. Theo ông Pence, trên phương diện cá nhân, ông Trump cam kết trở thành vị tổng thống Mỹ chấm dứt được cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine. Ông còn nhấn mạnh, Tổng thống Trump “sẽ không bao giờ thỏa hiệp về sự an toàn và an ninh của nhà nước Do Thái Israel”.

Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là hành động bị cáo buộc mang động cơ chính trị và chắc chắn sẽ khiến Palestine nổi giận. Người Palestine muốn đông Jerusalem là thủ đô tương lai và là một phần của chủ quyền lãnh thổ Palestine. Một động thái như vậy sẽ tách Mỹ ra khỏi cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những đồng minh thân cận nhất ở Tây Âu và thế giới Arab. Ngay ở trong nước, các quan chức Mỹ coi đây là việc không cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những hy vọng. Cuộc họp thượng đỉnh lần này là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận mới của ông Trump đối với cuộc xung đột kéo dài dai dẳng giữa người Do Thái và người Palestine. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu ông Trump sẽ tìm và đạt được những gì trong cuộc họp đầu tiên này.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu chỉ chăm chăm khởi động lại bàn đàm phán, ông Trump sẽ thất bại. Thay vào đó, Tổng thống Trump và nhóm của ông nên tập trung vào các bước tăng dần để cải thiện tình hình hiện tại ở Palestine và Israel, duy trì khả năng giải pháp hai nhà nước tại thời điểm khác và đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Nhưng sự không tin tưởng lẫn nhau giữa người Palestine và Israel chính là rào cản quá lớn mà ông Trump khó có thể vượt qua.

Khả Anh