Mỹ nỗ lực xoa dịu căng thẳng biển Đông

Thứ sáu, 15/07/2016 10:53

(Cadn.com.vn) - Chiến dịch ngoại giao thầm lặng của Mỹ ở biển Đông được triển khai sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Giới chức Mỹ cũng cho biết, Nhà Trắng sẵn sàng “vào cuộc” nếu “ngoại giao biển Đông” thất bại.

Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AFP

Một số quan chức Nhà Trắng ngày 14-7 cho biết, Mỹ đang sử dụng biện pháp ngoại giao thầm lặng để thuyết phục các nước liên quan không hành động quyết liệt sau khi PCA ra phán quyết lịch sử, theo đó bác bỏ những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Theo đó, một số thông điệp được chuyển qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và phái bộ ngoại giao các nước tại Washington, trong khi một số khác được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Ngoại trưởng John Kerry và những quan chức cấp cao khác chuyển trực tiếp đến các quan chức hàng đầu các nước liên quan. “Những gì chúng tôi muốn là mọi việc lắng xuống để những vấn đề đó có thể được giải quyết bằng lý trí chứ không phải bằng cảm xúc”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Theo quan chức này, sở dĩ chiến dịch ngoại giao lần này diễn ra âm thầm là nhằm tránh hiểu lầm Mỹ đang dẫn đầu một liên minh chống đối Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nỗ lực thất bại, không quân và hải quân Mỹ cũng đã sẵn sàng để duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực tranh chấp, một quan chức Mỹ nhấn mạnh thêm. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin, một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng, khả năng đối đầu là ít xảy ra khi các nước liên quan hợp tác với Mỹ. “Tôi không nghĩ, Trung Quốc muốn đối đầu với Mỹ”, ông nói với các phóng viên.

Nỗ lực lần này của Mỹ rõ ràng nhằm làm dịu căng thẳng ở biển Đông sau phán quyết của PCA vốn khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt. Không những ra tuyên bố khăng khăng không công nhận phán quyết của PCA, Bắc Kinh hôm 13-7 còn đe dọa thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) ở biển Đông tranh chấp. Hôm 14-7, Trung Quốc thậm chí đe dọa “phản ứng cương quyết” với bất cứ khiêu khích nào trên biển Đông. Chính quyền đảo Đài Loan (Trung Quốc) thậm chí còn điều tàu chiến đến khu vực này.

Philippines hôm 14-7 tiếp tục hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA, đồng thời cho biết Manila sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), khai mạc ngày 15-7 ở Mông Cổ, bất chấp việc Trung Quốc đòi không nên đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự ASEM. Tuyên bố này là phản ứng mạnh nhất từ phía Philippines đối với phán quyết của PCA trong bối cảnh giới phân tích cho rằng, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn còn “phần nào chưa rõ” phải tiếp cận vấn đề này với Trung Quốc như thế nào. Về phần Trung Quốc, họ liên tục lặp lại kêu gọi đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila và nhấn mạnh “đây là thời điểm để mọi thứ trở lại đúng hướng”.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng xa lánh do những hành động hung hăng ở biển Đông, trong đó có hoạt động cải tạo đất và xây các đường băng và cảng biển. Một số chuyên gia cho rằng, Nhà Trắng cần áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 14-7, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Dennis Blair cho rằng, Mỹ cần sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để đối phó với hành động quyết liệt của Trung Quốc tại bãi Scarborough tranh chấp ở ngoài khơi Philippines. Theo ông Blair, động thái này có thể đặt ra giới hạn đối với hành động cưỡng ép quân sự của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại nhận định, Mỹ nên có cách tiếp cận thận trọng để Trung Quốc có cơ hội thay đổi cách hành xử. Và chiến lược “ngoại giao biển Đông” đang được hy vọng sẽ phát huy hiệu quả.

Khả Anh