Mỹ nỗ lực xoa dịu khủng hoảng Vùng Vịnh
(Cadn.com.vn) - Trong chuyến công du Vùng Vịnh lần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đi lại giữa Kuwait, Qatar và Saudi Arabia cho đến ngày 13-7, đánh dấu hành động can thiệp quan trọng đầu tiên của Washington đối với cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tại Dinh Bayan. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 11-7 đã đến Kuwait, quốc gia đứng vai trò trung gian hòa giải cho Qatar và các nước láng giềng Arab.
Mục tiêu chuyến đi lần này của ông Tillerson là đàm phán để xoa dịu cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở Vùng Vịnh. Washington lo ngại cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến hoạt động chống khủng bố trong khu vực khi Mỹ có một căn cứ quân sự lớn ở Qatar, đây là nơi quân đội Mỹ thực hiện những cuộc không kích nhằm vào các phần tử khủng bố ở Syria và Iraq.
AFP dẫn nguồn hãng tin KUNA cho biết, ngay khi đến Kuwait, vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ lập tức thảo luận với Quốc vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah, nhà lãnh đạo đang đứng đầu nỗ lực hòa giải giữa các quốc gia Vùng Vịnh. Ông Tillerson cũng gặp người đồng cấp Kuwait Sheikh Sabah Khaled Al-Sabah. Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Mark Sedwill, cũng nhận được lời mời của quốc vương Kuwait, tham dự cuộc họp bàn về cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh. Kuwait, Mỹ và Anh sau đó ra tuyên bố chung sau hội đàm, kêu gọi các đối thủ Vùng Vịnh “nhanh chóng kiềm chế cuộc khủng hoảng hiện tại và giải quyết sớm nhất thông qua đối thoại”.
Trong nỗ lực đánh dấu hành động can thiệp quan trọng đầu tiên của Washington đối với cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, ông Tillerson đi lại liên tục giữa Kuwait, Qatar và Saudi Arabia cho đến ngày 13-7. Trong ngày 11-7, ông Tillerson đến Qatar để đàm phán với các nhà lãnh đạo ở đó trước khi trở lại Kuwait vào cuối ngày 11-7.
Giới chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng và tác động của ông Tillerson phụ thuộc phần lớn vào việc các quan chức khu vực “tin tưởng rằng vị ngoại trưởng này có được sự ủng hộ hoàn toàn của Tổng thống Trump”. “Nếu ông Tillerson có thể thuyết phục được sứ mệnh của ông là đi đến một thỏa thuận cho Mỹ, đó là đánh bại chủ nghĩa khủng bố... thì ông ấy có thể có cơ hội”, một chuyên gia nhận định.
Nhưng bất chấp những nỗ lực hòa giải mạnh mẽ của Kuwait và các nước khác, các quốc gia khu vực cho biết mọi việc có thể vẫn bị đình trệ trong tương lai gần. “Nỗ lực ngoại giao hoặc hòa giải sẽ không thể thành công nếu Doha không hợp lý, trưởng thành và thực tế”, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash viết trên Twitter hồi tuần trước. Chuyến công du ông Tillerson theo sau loạt các chuyến thăm chính thức của các nhà ngoại giao LHQ và các ngoại trưởng của Anh, Đức và Oman đến khu vực. Bất chấp những bế tắc, các chuyên gia cho rằng, việc Washington muốn tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng là một bước đi đáng hoan nghênh.
Khủng hoảng Vùng Vịnh bùng nổ sau khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Qatar cáo buộc Doha bảo trợ khủng bố. Khi gặp nhau ở Ai Cập hồi tuần trước, Saudi Arabia và các đồng minh cho biết có kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với tiểu vương quốc giàu khí đốt này sau khi Qatar từ chối tuân thủ loạt yêu cầu mà các nước này đưa ra khi thời hạn chót đã qua.
Riyadh mới đây gây áp lực buộc Thủ tướng Iraq Haidar Al-Abadi phải tham gia nỗ lực cùng các quốc gia Arab và Vùng Vịnh tẩy chay Qatar. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Iraq đã giữ quan điểm trung lập và không can thiệp vào cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh. Thủ tướng Al-Abadi thông báo điều này một cách dứt khoát trước khi lên đường đi thăm Saudi Arabia.
Trong khi đó, Qatar cũng không nhượng bộ. Hôm 11-7, Doha đe dọa rút khỏi GCC nếu các điều kiện không được đáp ứng. Qatar đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước Vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani gửi bức thư đến Tổng thư ký GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó đưa ra các điều kiện của Qatar, nếu không nước này sẽ rút khỏi GCC.
KHẢ ANH