Mỹ phải... chờ

Thứ ba, 27/08/2013 10:57

(Cadn.com.vn) - Nga kêu gọi Mỹ và các đồng minh chờ đợi kết quả của đoàn thanh tra LHQ về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) ở Syria, tránh hành động quân sự.

Trong cảnh báo thẳng thắn gửi đến Mỹ, Ngoại trưởng Nga ngày 26-8 cho rằng, Washington sẽ phải hứng chịu “những hậu quả cực kỳ nguy hiểm” nếu triển khai hành động quân sự chống lại chế độ Syria.

Phát biểu với người đồng cấp Mỹ John Kerry, ông Lavrov cho biết, Moscow “hết sức quan ngại” trước tuyên bố chính thức của Mỹ ám chỉ việc sẵn sàng can thiệp vào Syria. Trước khả năng xảy ra một hành động can thiệp quân sự mới, ông Lavrov tỏ ra hết sức quan tâm tới những hậu quả cực kỳ nguy hiểm đối với toàn bộ khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Moscow cũng hoan nghênh quyết định của Syria cho phép các chuyên gia quốc tế đến kiểm tra khu vực ở ngoại ô Damascus, nơi bị cáo buộc diễn ra vụ tấn công VKHH khiến hơn 1.000 người chết. Các quan chức Syria và LHQ đang làm việc để hoàn thành sớm nhất kết quả điều tra. Vì thế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết, tất cả các nước phải chờ đợi kết quả. Ông cũng khuyến khích các nước khác “cho thấy sự thận trọng và tránh những sai lầm bi thảm” bằng cách đổ xô đến một kết luận phiến diện về vụ việc. Tuyên bố này có thể là ám chỉ đến Anh và Pháp – hai nước từng một mực khẳng định đã có bằng chứng cho thấy, lực lượng quân đội Syria sử dụng VKHH.

LHQ đang điều tra việc sử dụng VKHH tấn công người dân ở Syria. Ảnh: CNN

Nhóm chuyên gia LHQ bắt đầu điều tra hiện trường vụ tấn công bằng VKHH vào ngày 26-8, trong bối cảnh Mỹ, vốn có quan điểm hoài nghi, cho rằng sự chấp thuận của Syria diễn ra quá muộn. Trong khi đó, Anh cho rằng, chính quyền Syria có thể hủy hoặc giả mạo những bằng chứng về vụ tấn công VKHH sau khi bật đèn xanh cho đoàn thanh sát viên của LHQ đến hiện trường điều tra. London cũng lo ngại còn quá ít thời gian để các thanh sát viên LHQ thu thập đủ bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng, “đây là một thỏa thuận quan trọng trong một tình huống đầy kịch tính”.

"Các đối tác Mỹ và Châu Âu phải hiểu những hậu quả thảm khốc cho khu vực Trung Đông, thế giới Arab và toàn thể người Hồi giáo nếu Syria bị tấn công" ông Lukashevich tuyên bố khi khuyên Mỹ và các đồng minh không chơi “canh bạc nguy hiểm” này.

Trước khi công bố thỏa thuận bước ngoặt của LHQ với Syria, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande thảo luận tình hình trong một cuộc gọi điện thoại vào hôm 25-8. Sau đó, họ kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phản ứng cứng rắn trước một cuộc tấn công VKHH như vậy. Trong cuộc điện đàm sau đó với Tổng thống Obama, ông Hollande nói về khả năng quốc tế đưa ra phản ứng phối hợp. Cuộc điện đàm này là một phần trong những nỗ lực mà chính quyền của Tổng thống Obama đang tiến hành nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với một sự đáp trả quân sự nhằm vào Syria.

Giới chuyên gia cho rằng, có thể chính quyền Syria đã “ngửi được mùi” về khả năng bị Mỹ tấn công nên đồng ý cho phép các thanh tra viên kiểm tra các địa điểm bị tình nghi. Nhưng trên thực tế, trước tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn không tỏ ra lo sợ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 26-8, ông Assad cảnh báo Washington rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở Syria sẽ thất bại và phủ nhận rằng lực lượng của ông sử dụng VKHH. “Thất bại đang chờ đợi Mỹ như trong tất cả các cuộc chiến tranh trước đó, bắt đầu từ Việt Nam cho đến thời đại của chúng tôi”, ông nói với tờ báo Izvestia của Nga. Bác bỏ những cáo buộc VKHH là “vô nghĩa” và “vô căn cứ”, ông nói Mỹ, Anh và Pháp từ lâu tìm cách biện minh cho sự can thiệp quân sự ở Syria.

Khả Anh

TRIỀU TIÊN BỊ NGHI BÁN CHO SYRIA QUẦN ÁO BẢO HỘ VKHH

LHQ ngày 26-8 nghi ngờ Triều Tiên xuất sang Syria số lượng lớn quần áo bảo hộ liên quan đến VKHH.

Theo KBS, một số lượng lớn quần áo bảo hộ chứa trong các container cập cảng tại Busan của Hàn Quốc hồi tháng 10-2009 được xác định là vật tư có liên quan VKHH mà Triều Tiên định xuất sang Syria. Theo báo cáo của các thanh sát LHQ phụ trách giám sát cấm vận Bình Nhưỡng, số quần áo bảo hộ này cùng loại với số đồ bảo hộ mà Triều Tiên định xuất sang Syria, nhưng bị Hy Lạp phát hiện hồi tháng 11-2009. Như vậy, hai vụ việc có liên quan. Tuy nhiên, Damascus bác bỏ và khẳng định số đồ bảo hộ bị phát hiện ở Hy Lạp được nhập để dùng trong nông nghiệp và nghiên cứu.