Mỹ quan đô thị - nhìn từ cái vỉa hè
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang tiến nhanh trong quá trình đô thị hóa, diện mạo phố phường ngày càng khởi sắc hơn với nhiều con đường, công trình xây dựng mới khang trang. Công tác chỉnh trang đô thị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH), trong đó có an toàn giao thông (ATGT), cũng là một vấn đề rất được thành phố quan tâm, nhất là khi mật độ giao thông ngày càng tăng, đường phố, bao gồm cả vỉa hè của không ít con đường, ngày càng thể hiện sự quá tải, sự thiếu đồng bộ giữa chiều rộng đường, vỉa hè với mật độ lưu thông và sự phát triển của các loại hình dịch vụ, mà trong đó liên quan mật thiết và sống còn với cụm từ "mặt tiền". Ở đây xin đi sâu vào lĩnh vực quản lý và sử dụng vỉa hè, một nội dung mang tính thời sự khá nóng hổi trong thời gian qua.
Thực tế là trong những năm qua, cùng với sự thay da đổi thịt không ngừng của thành phố, vấn đề sử dụng và quản lý vỉa hè thế nào, để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo ATGT cho người đi bộ, cũng như thu nhập cho các hộ kinh doanh... l à một bài toán không đơn giản, đặt ra cho lãnh đạo chính quyền từ thành phố đến quận, phường và các cơ quan chức năng liên quan, trong việc tìm ra một đáp số chung mang tính khả thi nhất.
Cảnh sát giao thông ghi giấy phạt một ô-tô đậu đỗ trên vỉa hè. Ảnh: Anh Tuấn |
Nếu ai là người Đà Nẵng hàng ngày đi trên những con đường, ghé vào những điểm kinh doanh hai bên đường, cũng như thả bộ dọc theo hè phố, đều có một cảm nhận chung là đa số các vỉa hè đều khá chật hẹp, mặc dù đã được lực lượng chức năng tích cực kiểm tra, xử lý, nhưng vẫn phổ biến tình trạng thiếu ngăn nắp, chưa nói là khá lộn xộn, nhất là trong việc phân định đâu là khu vực buôn bán, đâu là khu vực để xe máy và đâu là khu vực dành cho người đi bộ. Nói đến phần đường dành cho người đi bộ, đối với bất kỳ một đô thị văn minh nào, người đi bộ đều được dành riêng cho một phần đường trên vỉa hè. Ở Đà Nẵng có vạch kẻ rất rõ ràng, phân định phần đó là khoảng trống tiếp giáp với mép đường. Nghĩ lại, thấy thật "tội nghiệp" cho cái phần gọi là "ưu tiên" đó. Không phải quá khó khăn, chúng ta rất dễ dàng mục kích hình ảnh người ta đi bộ dưới lòng đường, vì phần đường trên vỉa hè dành để đi bộ gặp quá nhiều vật cản. Với chiều rộng "khiêm tốn"chưa đầy 2 m, đã không rộng rãi gì mà gặp đủ loại chướng ngại vật từ cây xanh đến cột điện, cột điện thoại, thùng rác, biển báo giao thông... Do đó, cứ phải tránh né mãi, nên để thuận tiện, người ta phải di chuyển vào phía bên trong hoặc chấp nhận vi phạm luật bằng việc đi xuống lòng đường. Đáng lo là cách đi thứ 2 này rất phổ biến.
Nếu nhìn ra một số thành phố khác, thì việc để xe máy, xe đạp thống nhất là phần tiếp giáp với lề đường, còn phần dành cho người đi bộ là ở phía trong. Thành phố đã từng có quy định về nơi dành để xe và nơi dành cho người đi bộ, cho buôn bán để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, xây dựng nếp sống văn minh và lập lại trật tự mỹ quan đô thị. Xuất phát từ sự phản ánh của dư luận về chuyện gặp rất nhiều trở ngại khi đi bộ trên vỉa hè, phải đi xuống đường... Khi chuyển vị trí để xe ra sát đường, lại nổi lên dư luận là việc để xe như vậy sẽ làm cho người ta có cảm giác con đường như hẹp lại!? Xe bị phơi nắng, phải che đậy, dẫn đến mất mỹ quan và đặc biệt là các hộ kinh doanh không đồng tình cách làm như vậy, vì nó cản trở phần nào khách hàng đến mua bán và một phần cũng là vì xe của gia đình không được để gần nhà...
Thực ra đã quy định vỉa hè rộng trên 3m mới được phép kinh doanh, còn vỉa hè dưới 3m thì không. Nhưng vẫn phổ biến xu hướng người ta tranh thủ "vươn ra" khỏi khuôn viên nhà mình để kinh doanh. Mặt khác, về nguyên tắc bất thành văn, xe của nhà nào thì phải đem vào nhà nấy chứ đâu có được phép để xe trên vỉa hè, vốn là khu vực công cộng, không thể xem là sân, là khu vực riêng của nhà mình được! Tất nhiên, việc thay đổi một thói quen không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng nếu cứ mãi đứng giữa các luồng dư luận để rồi kéo dài tình trạng lộn xộn của vỉa hè sẽ gây ra những hậu quả không hay đối với một thành phố đang cần tự khẳng định mình như Đà Nẵng. Rõ ràng là, nếu cứ để tình trạng tùy hứng, để xe lộn xộn không theo quy định, buôn bán tràn lan trên vỉa hè, người đi bộ tràn xuống lòng đường..., sẽ làm mất đi sự ngăn nắp, quy củ của đô thị, một điều rất nên tránh đối với một đô thị loại I cấp quốc gia như Đà Nẵng.
Một vấn đề muốn nói nữa là cái bề mặt của vỉa hè. Trong những năm qua. nhiều con đường mới được hình thành ở Đà Nẵng, đi kèm theo đó là những vỉa hè được lát gạch thoáng đãng và sạch sẽ. Tuy nhiên, có một hiện tượng mà những ai quan tâm đến mỹ quan đô thị không khỏi băn khoăn, đó là tình trạng vỉa hè xuống cấp trầm trọng, cả ở những con đường huyết mạch của thành phố như Lê Lợi, Phan Châu Trinh... Vỉa hè ở những nơi này lồi lõm, nát vụn nhất là những nơi chỉ được phủ bằng xi-măng hay bê-tông. Một số nơi khác lát gạch block (gạch "con sâu") tự chèn cũng xập xệ, nhếch nhác theo thời gian, một phần cũng do chất lượng gạch kém, phần do cách lát quá đơn giản... Đó còn là tình trạng vỉa hè một số con đường lát gạch chưa lâu, đã thấy xuất hiện khá nhiều cỏ, thậm chí có cả cây bụi nhỏ mọc lên trên vỉa hè do khu vực dân cư thưa thớt...
Vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong việc sử dụng những vỉa hè ở Đà Nẵng, nó vẫn chưa thật sự thông thoáng, chưa đẹp một cách đồng bộ và bền vững, trong khi còn nhiều gia đình sống nhờ vào nguồn thu nhập từ những cái vỉa hè đúng nghĩa "mặt tiền" này. Cuộc sống thì thúc bách, đòi hỏi phải tận dụng hết cái hiện có trong khi vỉa hè thì còn chật hẹp. Nhưng dù sao, để có được một Đà Nẵng văn minh hiện đại, ngoài việc khắc phục những bất cập, cần có những sự thay đổi mang tính đột phá, cụ thể hơn là thực hiện triệt để nếp sống văn hóa "văn minh, đô thị" trong chương trình "thành phố 3 có" và rộng hơn là "Thành phố 4 an" cũng là chủ đề của năm 2017. Đồng thời, đó là một quá trình mà ý thức công dân và chế tài của nhà nước cùng song hành bên nhau.
Để vỉa hè Đà Nẵng thật sự thông thoáng, sạch đẹp trong khi vẫn tận dụng và khai thác hết thế mạnh của nó, quả là một bài toán không đơn giản. Điều trước tiên là phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cấp chính quyền từ thành phố đến tổ dân phố và trên hết là ý thức của người dân Đà Nẵng. Hy vọng rồi đây, vỉa hè Đà Nẵng sẽ khang trang, sạch đẹp và thoáng đãng hơn hôm nay, đem lại cho phố phường một diện mạo mới, thể hiện sự văn minh và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cái nhìn và cảm nhận của du khách gần xa.
Dân Hùng