Mỹ "quyết đấu" với Trung Quốc về chất bán dẫn

Thứ sáu, 12/08/2022 13:13
Tổng thống Joe Biden ngày 9-8 đã ký phê chuẩn Đạo luật chip và khoa học nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip máy tính kéo dài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như Trung Quốc trong việc sản xuất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật chip và khoa học. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật chip và khoa học. Ảnh: Reuters

Đạo luật chip và khoa học cho phép chi 280 tỷ USD cho các nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước, với điểm nhấn là 52,7 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong 5 năm tới. Trong hơn 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho "các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất" để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Đạo luật này cũng dành 200 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.

Đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Việc thông qua đạo luật đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều đánh giá đạo luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc cũng như tăng cường an ninh quốc gia. "Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn và đạo luật này đưa chất bán dẫn trở về quê nhà… Việc này là vì lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia Mỹ", ông Biden phát biểu.

Thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc

Trung Quốc lâu nay là quốc gia thống trị trong lĩnh vực sản xuất công nghệ. Các công ty như Apple, Google và Microsoft đều phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc để sản xuất thiết bị và linh kiện. Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc cũng nhanh chóng giành được vị thế trên thị trường bán dẫn, đứng đầu toàn cầu về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm; đứng thứ tư - xếp trên Mỹ - về sản xuất chip điện tử trên tấm bán dẫn. Doanh số chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng hơn 30% trong năm 2020, đạt gần 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến các nhà máy bị đình trệ và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nhiều nước hiện đang xem xét lại cách tiếp cận để có thể độc lập hơn và giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc. Mỹ cũng không ngoại lệ.

Đạo luật chip và khoa học là một phần nỗ lực lớn hơn của chính quyền Washington nhằm đối phó Bắc Kinh và giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian qua, đặc biệt ở ngành bán dẫn.

Tổng thống Biden khẳng định đây chính là "khoản đầu tư chỉ có một lần trong đời vào chính nước Mỹ". Là một phần cốt lõi trong chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden nhằm cải thiện nền kinh tế đang phát triển của Mỹ, Đạo luật chip và khoa học nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào việc sản xuất ở nước ngoài các mặt hàng quan trọng, tiên tiến đã gây ra tình trạng thiếu hụt kéo dài trong các ngành công nghiệp ô-tô, vũ khí, máy giặt và trò chơi điện tử.

Trung Quốc lên tiếng

Ngày 10-8, Trung Quốc đã chỉ trích Đạo luật chip và khoa học của Mỹ, cho rằng đạo luật gây ra cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm luật quốc tế, cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng luật mới mà Mỹ đưa ra sẽ "làm gián đoạn thương mại quốc tế và tác động xấu đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu". Theo ông Uông, luật này chính là sự ép buộc về kinh tế, gây hại cho Mỹ và các nước khác. Ông cũng nhấn mạnh rằng các phần của luật mới sẽ "hạn chế hoạt động đầu tư thông thường, hoạt động kinh tế và thương mại của các công ty ở Trung Quốc".

Tờ China Daily đưa tin, trong một thông cáo chung, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc và Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho rằng đạo luật này nhằm nâng cao lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia. Theo hai hiệp hội, đạo luật vi phạm các Nguyên tắc không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu cùng hợp tác để loại bỏ tác động tiêu cực của đạo luật. Các hiệp hội này cho rằng đạo luật sẽ tăng cường cạnh tranh địa chính trị trong lĩnh vực bán dẫn trên toàn cầu, cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới và ngăn cản sáng tạo.

AN BÌNH