Mỹ sẵn sàng cho lễ nhậm chức của ông Biden
Quân lính Mỹ được huy động để bảo vệ thủ đô Washington và các khu vực xung quanh trước thềm Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức nhiều hơn binh lính của nước này ở Afghanistan, Iraq và Syria cộng lại.
Hàng nghìn quân lính được huy động bảo vệ lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Reuters |
Biến Washington thành “pháo đài quân sự”
Giới chức Mỹ tăng cường biện pháp bảo vệ an ninh tại thủ đô Washington ở cấp độ chưa từng có nhằm bảo đảm an toàn cho lễ nhậm chức của ông Biden trong ngày 20-1. An ninh được thắt chặt ở cấp độ cao nhất từ sau vụ khủng bố 11-9-2001. Để ngăn chặn biến cố tương tự vụ người biểu tình gây bạo loạn tại Quốc hội Mỹ hôm 6-1, giới chức Mỹ tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh ở khắp Washington, đặt thủ đô trước thời điểm lễ nhậm chức trong tình trạng cảnh giác cao độ. Khoảng 25.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được triển khai tại Washington, chưa kể hàng nghìn nhân viên thực thi pháp luật thuộc Sở Cảnh sát Washington, Cơ quan Mật vụ…
Nhà chức trách cũng cho dựng các hàng rào bê-tông để phong tỏa các tuyến phố dẫn tới trung tâm thành phố, đóng cửa 17 tuyến đường, 13 ga tàu điện ngầm. Quân đội đã xây dựng các hàng rào không thể leo bằng thang cao hơn 2 mét xung quanh Tòa nhà Quốc hội và các tòa nhà chính phủ gần đó, cũng như lập các chốt kiểm tra với các phương tiện quân sự và hàng rào chắc chắn trên các đường phố khắp khu vực này.
Với sự cho phép của Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy, các vệ binh ở khu vực Tòa nhà Quốc hội đều được trang bị súng trường bán tự động M4. Quân đội được triển khai quanh Tòa nhà Quốc hội đã sẵn sàng chuẩn bị cho các mối đe dọa từ những hành động cực đoan như: cài cắm thiết bị nổ, lao máy bay liều chết, điều khiển máy bay không người lái từ xa và xả súng.
Tất cả biến khu trung tâm thành một “pháo đài quân sự” trước lễ nhậm chức. Khu vực trung tâm được chia làm hai hai vùng, “vùng xanh” và “vùng đỏ” nhằm hạn chế đi lại, giúp lực lượng chức năng kiểm soát tốt tình hình. “Vùng đỏ” sẽ được rào chắn toàn bộ, bao gồm khu Công viên National Mall vốn chật kín người trong các lễ nhậm chức tổng thống, cùng với đó là nhà Quốc hội và Nhà Trắng. Chỉ có lực lượng thực thi pháp luật mới được quyền ra vào ở khu vực này; người lạ xuất hiện sẽ bị kiểm tra và thẩm vấn tức thời. An ninh được nới lỏng hơn “vùng xanh”, nhưng người đi đường sẽ bị hỏi danh tính và lý do xuất hiện tại vùng này.
Bên ngoài thủ đô Washington, hơn 2.125 vệ binh đang được bố trí để bảo vệ cho các cơ sở hạ tầng quan trọng. Hơn một chục bang tại Mỹ cũng đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia để giúp bảo vệ các tòa nhà sau khi FBI cảnh báo về các cuộc biểu tình vũ trang, với các phần tử cực đoan cánh hữu bị kích động.
Hai ngày trước lễ nhậm chức, nước Mỹ được đánh giá khá yên bình. Hôm 17-1 được coi là thời điểm nóng về an ninh khi có nhiều thông tin phong trào "boogaloo" chống chính phủ đưa ra kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình ở tất cả 50 bang. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, chỉ một số ít người biểu tình đã xuống đường, trong khi lực lượng an ninh và giới truyền thông còn đông hơn rất nhiều.
Trong khi đó, Thị trưởng Washington, bà Muriel Bowser đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra những cuộc tấn công nhằm vào khu vực dân cư của thành phố. Theo bà Bowser, Sở cảnh sát Washington cũng đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và quân đội Mỹ để chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào khu vực dân cư lân cận trong thủ đô.
Sàng lọc Vệ binh Quốc gia
Sau cuộc bạo loạn ngày 6-1 tại Đồi Capitol, đã xuất hiện thông tin rằng một số người tham gia vụ việc này đang hoặc từng có quan hệ với quân đội. Do đó, Tướng Daniel Hokanson - người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ (NGB), cho biết các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đang sàng lọc các thành viên của lực lượng này để đảm bảo họ không gây ra nguy cơ về an ninh trong lễ nhậm chức của ông Biden. Tướng Hokanson nhấn mạnh NGB đang phối hợp với Cơ quan Mật vụ và FBI để sàng lọc tất cả quân nhân sẽ được triển khai trong ngày 20-1.
Giảm quy mô
Ngoài vấn đề an ninh, lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm nay cũng khác biệt do dịch Covid-19, với quy mô người tham gia hạn chế hơn. trước đây, mỗi nghị sĩ Mỹ thường nhận được rất nhiều vé mời tham dự sự kiện, để chuyển cho khách mời, các nhà tài trợ, đại diện cư dân ở các đơn vị bầu cử… Nhưng năm nay, họ chỉ nhận được một vé mời. Thay vì nhận được hàng trăm nghìn vé, các thành viên Quốc hội chỉ có 1.070 vé. Giãn cách xã hội cùng với đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc tại buổi lễ. Toàn bộ lễ diễu hành cũng như một số nghi thức quan trọng của buổi lễ sẽ được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình.
Chủ đề lễ nhậm chức năm nay sẽ là “Nước Mỹ đoàn kết”. Ông Joe Biden sẽ chính thức nắm quyền tổng thống vào trưa 20-1, theo quy định được nêu trong Tu chính án số 20.
Sau lễ nhậm chức, ông Biden và bà Harris Kamala sẽ duyệt đội danh dự có sự tham gia của các quân, binh chủng trong quân đội Mỹ mà tại đó ông Biden sẽ chính thức được công nhận là Tổng tư lệnh mới của nước Mỹ. Tân Tổng thống và Phó Tổng thống sau đó sẽ tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington để thực hiện nghi lễ đặt vòng hoa viếng mộ chiến sĩ vô danh.
AN BÌNH