Mỹ, Saudi Arabia phối hợp “tấn công” Iran?
Mỹ đang triển khai quân đội ở Saudi Arabia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với đối thủ truyền kiếp Iran, làm dấy lên mối lo ngại cho giao thông ở eo biển chiến lược Hormuz. Đây chính là mô hình triển khai đầu tiên kiểu này kể từ năm 2003, khi các lực lượng Mỹ rút khỏi Saudi Arabia sau 12 năm hiện diện và bắt đầu 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, mà đỉnh điểm là cuộc lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein. Liệu động thái này có thúc đẩy cuộc chiến mới trong khu vực?
Binh sĩ Mỹ từng hiện diện ở Saudi Arabia trong 12 năm, bắt đầu từ Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” năm 1991. Ảnh: AFP |
Đây có phải là sự chuẩn bị cho chiến tranh?
Ông chủ Lầu Năm Góc cuối tuần qua cho phép triển khai các nhân viên quân sự và vũ khí của Mỹ tới Saudi Arabia, đồng thời khẳng định động thái này sẽ tăng cường thêm “năng lực phòng thủ” trong bối cảnh xuất hiện “những mối đe dọa đang nổi lên và hết sức rõ ràng”.
Trong khi đó, theo các nguồn tin, quân đội Mỹ đang điều động vài trăm binh sĩ cùng các máy bay và tên lửa phòng không đến Saudi Arabia nhằm chống lại Iran. Tuy nhiên, Washington tuyên bố, động thái này được chuẩn bị trong nhiều tuần qua và không phải là một sự đáp trả đối với việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh ở Vịnh Persian. Theo các quan chức trên, các lực lượng Mỹ ở Saudi Arabia sẽ đảm trách nhiệm vụ phòng thủ.
Riyadh và Washington không tiết lộ số lượng binh sĩ sẽ được triển khai, tại khu vực chỉ nằm cách bờ biển Iran chỉ khoảng 200km. Nhưng các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, 500 lính Mỹ sẽ đóng quân tại căn cứ Prince Sultan, phía nam Riyadh. Các tuyên bố riêng biệt từ Riyadh và Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), nói rằng, việc triển khai của Saudi Arabia nhằm đảm bảo sự ổn định trong Vùng Vịnh hỗn loạn. “Dựa trên sự hợp tác lẫn nhau giữa Riyadh và Washington, và mong muốn tăng cường mọi thứ để đảm bảo an ninh ổn định khu vực... Vua Salman đã chấp thuận cho lực lượng Mỹ”, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia thông báo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, động thái lần này của Mỹ là một phần trong kế hoạch tăng cường các lựa chọn quân sự trong trường hợp tấn công Iran, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đang leo thang căng thẳng tột độ. Washington và Tehran đã bị khóa trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định hạt nhân năm 2015 với Iran và bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại nước cộng hòa Hồi giáo. Ngoài ra, ông Trump và đồng minh giàu dầu mỏ cũng đã cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu và máy bay không người lái ở Vùng Vịnh kể từ tháng 5-2018. Iran phủ nhận các cáo buộc và đã đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - một điểm giao thương nghẹt thở cho khoảng 1/3 lượng dầu biển trên thế giới - nếu bị tấn công.
Riyadh là đối tác đáng tin cậy?
Các nhà phân tích cho rằng, việc triển khai nhằm mục đích củng cố mối quan hệ giữa Washington và Riyadh - đặc biệt là quan hệ quân sự - vốn căng thẳng trong năm qua.
Chính quyền của ông Trump phải đối mặt với sự tức giận từ Quốc hội vì đã không làm nhiều hơn để trừng phạt Riyadh sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phẫn nộ ngày càng tăng ở Mỹ và trên toàn thế giới sau vụ ông Trump bán vũ khí cho Riyadh, trong đó hầu hết cho rằng, số vũ khí này được sử dụng cho cuộc chiến ở Yemen. Bất chấp những lời chỉ trích, ông Trump nhiều lần ca ngợi Thái tử quyền lực của Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, nhân vật nắm chiếc ghế bộ trưởng quốc phòng của vương quốc.
Đối với Thái tử Salman, việc triển khai quân mới nhất của Mỹ cho thấy Washington là một đối tác bảo đảm an ninh quan trọng cho Saudi Arabia. Thái tử Salman từ lâu đã cố gắng chuyển một số lính Mỹ ra khỏi căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, nơi Mỹ có căn cứ quân sự lớn nhất ở Trung Đông. Khoảng 10.000 lính Mỹ được triển khai tại Al Udeid, trong số khoảng 35.000 lính đóng quân ở các quốc gia Vùng Vịnh bao gồm Kuwait và Bahrain, sau này là căn cứ của Hạm đội thứ 5 của Mỹ.
KHẢ ANH