Mỹ Sơn nỗ lực giữ chân du khách

Thứ ba, 29/05/2018 11:52

Thánh địa Mỹ Sơn nằm trên địa bàn xã Duy Phú, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, từng là một trong 10 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, Mỹ Sơn vẫn mới chỉ thu hút du khách đến tham quan chứ chưa thể giữ chân họ,  vì nhiều lẽ...

Du khách xem một tiết mục văn nghệ Chăm tại Mỹ Sơn.

Khách du lịch chỉ cưỡi ngựa xem hoa

Chị Jen Kerford, một du khách Australia cho biết, đây là lần đầu tiên chị đến Mỹ Sơn và là điểm phải dừng chân của chị trong khoảng thời gian du lịch tại Việt Nam.  Không gian ở Mỹ Sơn rất đẹp, thời tiết khá giống với các vùng phía Bắc Australia. Bước chân vào đây, một không gian cổ kính như hiện lên trong tâm tư của chị, cả một nền văn minh rực rỡ đang dần hiện ra trên từng bước chân của chị. “Tôi rất thích không gian, những chiếc tháp ở đây. Thật tuyệt vời!”. Tuy nhiên, chị Jen Kerford chỉ dừng lại đây tìm hiểu, ghi hình nhưng không lưu trú. Tương tự, anh Trần Thanh, một du khách Hà Nội tham quan Mỹ Sơn cho biết, mặc dù rất tôn trọng di tích Mỹ Sơn nhưng anh cảm thấy hụt hẫng vì sản phẩm du lịch nơi đây còn quá ít ỏi. Ngoài hệ thống đền tháp đang phải sửa chữa, hạn chế chỗ tham quan, chỉ một vài bản nhạc Chăm thì chẳng có một địa điểm nào để tham quan thêm hoặc lưu trú  tốt.

Theo thống kê, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn năm 2017 đạt 360.000 lượt, trong đó có 308.700 lượt khách quốc tế và 51.300 lượt khách nội địa. Tuy nhiên, theo ông Phan Hộ- Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, lượng khách du lịch ấy chủ yếu đến đây để ngắm nhìn di sản thế giới như thế nào, hệ thống đền tháp ra sao và nghiên cứu quá trình hình thành, kiến trúc, nghệ thuật, quang cảnh của một vương triều... chứ không chọn nơi đây làm nơi lưu trú. Ông Hộ, lý giải, du khách đến nhưng rất hiếm lưu trú tại Mỹ Sơn bởi nơi đây không có lợi thế vượt trội so với Hội An và Đà Nẵng. Để giải quyết vấn đề này, BQL đang tiếp tục hỗ trợ và phát triển vùng du lịch quanh Mỹ Sơn để tạo ra những sản phẩm đa dạng thu hút khách đến và lưu trú.

Trước đây, dịch vụ lưu trú ở Mỹ Sơn đã được Chính phủ Luxembourg tài trợ thông qua Làng du lịch cộng đồng thuộc Dự án Tăng cường hoạt động du lịch do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện. Dự án ban đầu đặt mục tiêu là Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sẽ cung cấp dịch vụ homestay - lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch địa phương và các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực tới môi trường như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn, rất gần với di sản văn hóa Mỹ Sơn. Năm hộ dân tại xã Duy Phú (H. Duy Xuyên) được dự án chọn đầu tư mỗi hộ 3.000 USD xây các hạng mục như: phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm... theo tiêu chuẩn phòng du lịch để phục vụ du khách với giá cho thuê 150.000-200.000 đồng/phòng/ngày đêm. Các hộ này cũng đã được tập huấn kỹ năng về kinh doanh, dịch vụ du lịch và giao tiếp. Nhưng sau 5 năm thực hiện, làng du lịch không thu hút được khách lưu trú lại và dần trở nên mai một, mất hẳn.

Công tác bảo tồn luôn đặt lên hàng đầu tại thánh địa Mỹ Sơn.

Bảo tồn di tích để đảm bảo nguồn khách

Song song với phát triển sản phẩm, dịch vụ, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang nỗ lực bảo tồn di tích, từ đó tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từ tháng 1-2018 đến nay, tại Mỹ Sơn, các chuyên gia Ấn Độ đã tiếp tục triển khai trùng tu với Dự án Hợp tác Việt Nam – Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn ở các nhóm tháp H, K và A. Đây là dự án được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam ký kết từ năm 2015, kéo dài 5 năm (2016-2021) với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, đồng thời là Trưởng Ban điều hành Dự án khẳng định, đến thời điểm này các chuyên gia Ấn Độ chỉ mới tiến hành trùng tu ở một vài khối kiến trúc đơn giản, diện tích nhỏ. Phần lõi của di tích vẫn chưa đụng vào. Công tác trùng tu vẫn đảm bảo nguyên vẹn tính chân xác của di tích. Về phía địa phương vẫn tin tưởng vào kỹ năng, phương pháp và kỳ vọng vào chuyên gia Ấn Độ trong công tác trùng tu các nhóm tháp Chăm ở Mỹ Sơn. Ông Cẩm cũng cho biết, đây là dự án mà Bộ VH-TT và DL đã tham mưu, đề xuất và Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ để thực hiện. Nhóm chuyên gia kỹ thuật đến từ Viện Nghiên cứu Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) hiểu rõ và có kinh nghiệm trong trùng tu các tháp Chămpa, đã từng thực hiện các dự án bảo tồn trùng tu tại Angkor (Campuchia); tại Myanmar.

Còn theo ông Phan Hộ, Mỹ Sơn đã và đang thực hiện công tác trùng tu trên cơ sở phục dựng nguyên bản càng giống càng tốt. Việc đảm bảo cho di sản không bị xuống cấp hư hỏng cũng chính là đảm bảo lượng khách du lịch đến Mỹ Sơn tham quan, nhất là khách quốc tế.  Cùng với đó, BQL di sản này đang nỗ lực trong việc nâng cấp các sản phẩm du lịch tại khu di sản, trong đó chú trọng các sản phẩm có tính hỗ trợ, liên kết với địa phương có thế mạnh như du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, di tích lịch sử. Từ đó, từng bước đưa ra sản phẩm mang tính chiến lược như xây dựng bến du thuyền trên hồ Thạch Bàn, các tour xe đạp thăm làng quê, giao lưu văn nghệ cộng đồng.

Nói về chiến lược phát triển của Mỹ Sơn, ông Hộ cho biết, trong thời gian tới du lịch Mỹ Sơn sẽ tập trung hướng đến cộng đồng để lan tỏa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm. Hiện nay, BQL đang tập trung đẩy mạnh hạ tầng du lịch phía bên ngoài. Các vị trí đắc địa kinh doanh bên ngoài di sản sẽ ưu tiên cho tư nhân, chủ yếu là việc phục dụng lại các làng nghề và phát triển các mặt hàng thủ công. Những giá trị Mỹ Sơn sẽ bền chặt khi công cuộc bảo tồn được gắn với cộng đồng di sản xung quanh, đây vừa là nền tảng vững bền vừa là động lực phát triển. Các mô hình trên đều áp dụng thử nghiệm hợp tác công - tư, với sự liên kết giữa chính quyền, cộng đồng và một công ty du lịch lữ hành địa phương... để đáp ứng mục đích xây dựng một phương thức tiếp cận bền vững có khả năng nhân rộng cao.

LÊ ANH TUẤN