Mỹ tạm “hết” quyền nghe lén công dân

Thứ ba, 02/06/2015 09:09

(Cadn.com.vn) - Các cơ quan gián điệp của Mỹ giờ đây không được phép thu thập số lượng lớn dữ liệu điện thoại của người dân, sau khi Thượng viện từ chối gia hạn Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), vốn hết hiệu lực vào ngày 1-6.

Tối 31-5 (sáng 1-6, giờ Việt Nam) đánh dấu chấm dứt những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc chấn chỉnh hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Theo Reuters, NSA một lần nữa không vượt qua “ải” Thượng viện khi các thượng nghị sĩ từ chối gia hạn Đạo luật Yêu nước.

Sau những tranh cãi gây mất lòng tin của người dân Mỹ về việc chính phủ nghe lén điện thoại công dân nhằm chống lại các mối đe dọa tấn công khủng bố, Nhà Trắng mới đây đệ trình dự luật “Đạo luật nước Mỹ Tự do” (USA Freedom Act) nhằm chấn chỉnh hoạt động của NSA bằng việc nghiêm cấm các hoạt động nghe lén điện thoại, thu thập dữ liệu cuộc gọi và theo dõi các đối tượng bị coi là nghi can khủng bố.

Cơ sở thu thập dữ liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tại Bluffdale. Ảnh: Reuters

THƯỢNG VIỆN “GIẾT” NSA

Các quy định liên quan của Đạo luật Yêu nước hết hiệu lực vào lúc nửa đêm (11 giờ ngày 1-6, Việt Nam). Thượng viện bỏ phiếu để thúc đẩy luật cải cách, vốn sẽ thay thế các chương trình nghe lén điện thoại số lượng lớn từng được cựu điệp viên NSA Edward Snowden phanh phui 2 năm trước. “Đạo luật nước Mỹ Tự do” sẽ giúp kiểm soát nhiều hơn sau tiết lộ gây rúng động toàn thế giới của Snowden.

Tuy nhiên, trong phiên họp đặc biệt diễn ra cùng ngày, Thượng viện Mỹ không đạt được thỏa thuận gia hạn Khoản 215 trong dự luật được cựu Tổng thống G.W.Bush ký ban hành sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, theo đó cho phép NSA thu thập dữ liệu điện thoại của các công dân Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố. Thất bại trong việc đạt thỏa thuận như thế này có nghĩa là các nhân viên NSA sẽ phải chấm dứt mọi chương trình thu thập dữ liệu điện thoại và theo dõi cuộc gọi từ 0 giờ đêm 1-6. NSA cũng tạm thời bị mất quyền giám sát “những con sói đơn độc” - ám chỉ những nghi can khủng bố hành động một mình - vốn đang làm nước Mỹ lo ngại.

Đây là lần thứ hai, Thượng viện Mỹ bác bỏ dự luật “Đạo luật nước Mỹ Tự do”, bất chấp việc Hạ viện thông qua dự luật này hôm 13-5. Chính quyền Tổng thống Barack Obama chỉ trích việc để đạo luật hết thời hạn chót là “một sai sót vô trách nhiệm” của Thượng viện nhưng cũng bày tỏ hy vọng các thượng nghị sĩ nhanh chóng giải quyết vấn đề này. “Đối với vấn đề quan trọng như an ninh quốc gia, các thượng nghị sĩ, các cá nhân phải gác động cơ đảng phái sang một bên và hành động nhanh chóng. Người dân Mỹ xứng đáng được đối xử như vậy”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

MỊ DÂN VÀ THÔNG TIN SAI?

Đảng Cộng hòa bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Những “cái đầu diều hâu” muốn chương trình NSA tiếp tục trong khi những “cái đầu chủ nghĩa tự do” như Thượng nghị sĩ Rand Paul muốn “giết” nó hoàn toàn. Vì vậy, các cuộc tranh luận của Thượng viện diễn ra gay gắt. Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết, các quy định của Đạo luật Yêu nước lãng phí nguồn lực khi nhắm mục tiêu những cuộc tấn công có kế hoạch. Ông thậm chí còn cáo buộc một số nhà phê bình muốn một cuộc tấn công vào Mỹ “để họ có cớ đổ lỗi cho tôi”. Trong khi đó, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cáo buộc ông Paul “đẩy đồng bào vào nguy hiểm” và tiến hành “chiến dịch mị dân và thông tin sai”. Một số thượng nghị sĩ cáo buộc ông Paul sử dụng vấn đề này để quyên tiền cho chiến dịch tranh cử của ông.

Trong khi đó, hy vọng của chính quyền Tổng thống Obama chưa phải hết vì các thượng nghị sĩ đồng ý nhóm họp trở lại để thảo luận về vấn đề này. Theo kế hoạch, Thượng viện sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu nữa trước ngày 2-6 hoặc 3-6. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho biết cũng có cách giải quyết việc thu thập dữ liệu liên tục trong một số trường hợp đặc biệt.

Mặc dù Thượng viện không hành động kịp thời để “cứu” NSA, đây cũng đánh dấu chiến thắng một phần cho đảng Dân chủ của Tổng thống Obama, người đã thúc đẩy các biện pháp cải cách như một thỏa hiệp giải quyết những mối quan tâm riêng trong khi vẫn giữ một công cụ để giúp bảo vệ đất nước khỏi bị tấn công.

Khả Anh