Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ "ăn miếng trả miếng"

Thứ ba, 10/10/2017 10:40

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington đình chỉ tất cả các hoạt động cấp thị thực không định cư tại các cơ sở ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, động thái đáp trả sau khi Washington ngừng cấp thị thực tại các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ quán Mỹ tại Ankara.     Ảnh: AP

Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nêu rõ sẽ ngay lập tức ngừng dịch vụ cấp thị thực không định cư tại toàn bộ cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc này sẽ hạn chế tối đa số người đến Mỹ với mục đích ngắn hạn như du lịch, chữa bệnh, công tác, học tập, nghiên cứu, hoạt động báo chí… Lý do mà phái bộ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là cần "đánh giá lại" cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhân viên ngoại giao của nước này. Thông báo nêu rõ: "Những sự kiện gần đây đã buộc Chính phủ Mỹ đánh giá lại cam kết của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ. Để giảm thiểu số lượng khách tới Đại sứ quán và các tòa lãnh sự trong thời gian đánh giá, chúng tôi đã ngừng toàn bộ các dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại tất cả các cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức".

Ngay lập tức, Ankara có động thái tương tự đáp trả. Trong tuyên bố mới nhất, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington cho biết "sẽ đánh giá lại những cam kết của chính phủ Mỹ đối với sự an toàn của các phái bộ và nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ". Nước này cũng đình chỉ "mọi dịch vụ thị thực" cho công dân Mỹ, gồm cả thị thực được cấp trực tuyến và cửa khẩu.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 37.000 người Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016, giảm từ 88.301 vào năm 2015. Phần lớn các công dân Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ đều xin cấp thị thực tại biên giới, thường là tại các sân bay quốc tế. Văn phòng Quốc gia và Du lịch Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về tổng số du khách Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ trên trang web của họ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao sau khi Ankara hồi tuần trước đã bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính thất bại hồi tháng 7-2016, động thái mà Mỹ lên án là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh trong NATO.

Cơ quan thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận nhân viên này là Metin Topuz - công dân Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt hôm 4-10 về tội làm gián điệp, vi phạm hiến pháp và tìm cách lật đổ nhà nước. Anadolu cho biết ông Metin đã liên lạc với một số cựu cảnh sát trưởng, 121 người tham gia đảo chính cùng hàng trăm người sử dụng một ứng dụng nhắn tin mã hóa. Hồi tháng 3, một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ tên Hamza Ulucay cũng bị bắt về cáo buộc liên quan đến lực lượng bán quân sự người Kurd. Sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, Ankara cũng gây sức ép, yêu cầu Washington dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không được đáp ứng.

Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-10 phát lệnh bắt giữ thêm một nhân viên lãnh sự quán Mỹ. Tuy nhiên, Ankara không nêu rõ lý do phát lệnh bắt giữ. Kênh truyền hình NTV cho biết các quan chức an ninh vẫn đang truy lùng nhân viên lãnh sự nói trên, trong khi đó cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang thẩm vấn vợ và con của đối tượng này.

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi trong thời gian gần đây do Washington hỗ trợ Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ở Syria chiến đấu chống lại phiến quân. Trong khi đó, Ankara coi YPG là một nhánh của đảng Công dân người Kurd (PKK), lực lượng phát động phong trào nổi dậy suốt 30 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.

AN BÌNH